Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ VIIi-2023: Đồng bào Công giáo Nam Định tin yêu, gắn bó với “Bộ đội Cụ Hồ”

18:05, 15/10/2023

Nam Định là nơi đầu tiên đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam năm 1533 tại Quần Anh, Ninh Cường và Trà Lũ nay là Giáo xứ Quần Phương, thị trấn Yên Định (Hải Hậu); Giáo xứ Ninh Cường, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) và Giáo xứ Phú Nhai, xã Xuân Phương (Xuân Trường). Trên địa bàn tỉnh hiện có Giáo phận Bùi Chu và một phần Giáo phận Hà Nội với 172 xứ, 522 nhà thờ họ, 6 dòng tu, 39 cơ sở dòng; 1 giám mục, 216 linh mục, trên 800 nữ tu, 47,3 vạn giáo dân (gần 25% dân số toàn tỉnh). Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cộng đoàn Giáo dân tỉnh luôn đồng hành cùng Quân đội nhân dân Việt Nam, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến; nhiều giới trẻ Công giáo hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc; nhiều giáo dân đã anh dũng hy sinh. 

Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định trao Giấy chứng nhận cho Linh mục Trần Đức Hoàn, Giáo xứ Cốc Thành xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu 75 năm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định trao Giấy chứng nhận cho Linh mục Trần Đức Hoàn, Giáo xứ Cốc Thành xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu 75 năm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định.

Từ những ngày đất nước mới giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Tuần lễ vàng”, cụ Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Việt Nam đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu đã thể hiện lòng yêu nước qua việc góp dây chuyền vàng đeo tượng để phục sự quốc gia; từ đó đã thôi thúc không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho Tổ quốc. 

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đồng bào Công giáo cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào, các cuộc vận động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Giáo xứ, giáo họ không ma túy, không tội phạm, không tệ nạn xã hội”, “Đồng hành cùng em đến trường” và “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia ban công tác Mặt trận cơ sở, là uỷ viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, tỉnh; đại biểu Quốc hội, HĐND… nên công tác tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện được thuận lợi. Các sinh hoạt tôn giáo hàng năm đều được Hội đồng mục vụ các Giáo xứ đăng ký với chính quyền; việc xây mới, sửa chữa nơi thờ tự đều có tờ trình gửi chính quyền các cấp có thẩm quyền giải quyết. Ngay từ những ngày đầu xuân hàng năm, Hội đồng mục vụ các Giáo xứ đã tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu” giữa các hộ gia đình trong các giáo xứ. Đồng thời, Hội đồng mục vụ các giáo xứ đăng ký với Ban Đoàn kết Công giáo huyện, tỉnh phấn đấu đạt danh hiệu “Xứ họ tiên tiến”. Thông qua các bài giảng trong thánh lễ nhà thờ hoặc khi sinh hoạt tôn giáo, các linh mục và Hội đồng mục vụ các giáo xứ luôn cố gắng lồng ghép, phân tích cho bà con giáo dân hiểu rõ về kinh văn giáo lý của đạo và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, việc vi phạm pháp luật của Nhà nước là phạm luật Chúa, nhất là các tệ nạn xã hội như ma túy, trộm cắp, cờ bạc... Vận động bà con giáo dân thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhận thức phẩm giá cao quý của con người, tiếp nhận điều hay lẽ phải và tránh những thói hư tật xấu; đoàn kết cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo, thương yêu giúp đỡ nhau, tạo sự đồng thuận giữa Giáo hội và xã hội; góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng tiềm lực chính trị trong khu vực phòng thủ xã, huyện, tỉnh ngày càng vững chắc.

Linh mục Trần Đức Hoàn, Giáo xứ Cốc Thành, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) cho biết: “Cách đây hơn 30 năm, tôi là người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trở về quê hương, với cương vị Cha xứ của một Giáo xứ, tôi ý thức rằng đã từng là quân nhân và giáo dân phải luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của một người công dân - giáo dân, sống tốt đời, đẹp đạo”. Cùng với Linh mục Trần Đức Hoàn, các vị Linh mục trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn tích cực giảng đạo và tuyên truyền, vận động bà con giáo dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tích cực ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vận động giáo dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo dân tham gia các hoạt động quốc phòng, quân sự địa phương, thông qua các buổi rao giảng đạo lồng ghép tuyên truyền giáo dân và thanh niên có đạo thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự. Hàng năm, tỷ lệ thanh niên đạo Công giáo huyện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự gần 50% tổng số quân giao cho các đơn vị. Các vị Linh mục còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện động viên, mời các chức sắc tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh do tỉnh tổ chức; gần 400 chức việc đạo Công giáo tham gia 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tại huyện Nghĩa Hưng đã được bồi dưỡng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về hoạt động quốc phòng, an ninh ở địa phương. 

Đối với lực lượng vũ trang huyện Nghĩa Hưng cũng có nhiều hoạt động giúp đồng bào Công giáo trên địa bàn. Trong đó, quá trình huấn luyện bố trí thời gian lao động giúp dân, đặc biệt là vùng có đạo vệ sinh đường nông thôn; tham mưu Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống, việc làm cho đoàn viên, thanh niên, hội viên là tín đồ tôn giáo đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương thông qua các hoạt động thiết thực như: Tư vấn việc làm, đào tạo tay nghề, giới thiệu việc làm. Phối hợp với Huyện Đoàn thực hiện tốt phong trào “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, tập huấn nghiệp vụ về công tác đoàn - hội - đội chi cán bộ cốt cán tại vùng có đông đồng bào có đạo nhằm nâng cao kỹ năng, đoàn kết tập hợp thanh niên và tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đến với giới trẻ. Vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng việc làm thiết thực như: Hiến đất, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông, thủy nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng điện, đường, trường, trạm, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Sự gắn bó giữa đồng bào Công giáo và lực lượng vũ trang trong tỉnh thời gian qua có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quản lý và điều hành của chính quyền, sự phối hợp và giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành, đoàn thể của địa phương, sự đồng thuận của các Linh mục, chức sắc, chức việc và toàn thể bà con giáo dân chung lòng, chung sức xây dựng quê hương. Hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã in đậm trong cuộc sống của giáo dân tỉnh Nam Định không chỉ huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao… mà còn tích cực trong công tác dân vận, lao động sản xuất, tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia đấu tranh phòng, chống thiên tai, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn quốc phòng vững mạnh./.


Bài và ảnh: Trung tá Phạm Thế Lực
 (Chính trị viên Ban Chỉ huy 
Quân sự huyện Nghĩa Hưng) 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com