…Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) "Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn", mà cụ thể là thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, huyện Hải Hậu có những điều kiện thuận lợi căn bản: là huyện có bề dày truyền thống văn hoá, cách mạng, 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, 31 năm liên tục là điển hình văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước; kinh tế - xã hội phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hoá được các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng tương đối hoàn chỉnh; trình độ dân trí tương đối đồng đều; an ninh chính trị ổn định, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có hiệu quả. Bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn, trong đó chủ yếu nhất là huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, ngành nghề phát triển chậm, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (gần 70%), thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp.
Khi được Trung ương, tỉnh chọn 2 xã Hải Đường và Hải Lộc làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo 2 xã thành lập Ban quản lý và các tiểu ban, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 xã hiểu rõ chủ trương, yêu cầu của Trung ương, của tỉnh trong việc tiến hành xây dựng nông thôn mới, để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã chủ động, tích cực, tự giác tham gia thực hiện.
Trong tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng quy hoạch tổng thể theo chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, nhất là quy hoạch đồng ruộng theo vùng sản xuất, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch các công trình phúc lợi xã hội (trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm văn hoá thể thao...). Chỉ đạo mỗi xã chọn 1 làng, mỗi HTX chọn một cánh đồng để tổ chức thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới.
Với nhận thức xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm trong nông thôn, để người lao động "ly nông bất ly hương". Nếu chỉ chú trọng xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nhưng người dân không phát triển được sản xuất, không phát triển ngành nghề mà vẫn phải đi làm ăn xa... thì bộ mặt nông thôn mới có thể thành công nhưng chưa phải là nông thôn mới. Chính vì vậy, trong việc sử dụng nguồn kinh phí đề án, Ban Thường vụ Huyện uỷ có nghị quyết chỉ đạo 2 xã dành 50-60% nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thuộc Đề án để đầu tư xây dựng các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm trong nông thôn, như xây dựng các tuyến đường ra đồng, xây dựng hệ thống thủy nông nội đồng, đào tạo nghề cho nhân dân, tổ chức sản xuất theo vùng. Kết quả là: Khi triển khai Đề án, Hải Đường là xã trung bình của huyện, mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí quốc gia, đến nay đạt 10/19 chỉ tiêu. Dự kiến đến tháng 6-2011, khi tổng kết bước 1 thì Hải Đường sẽ đạt 15-16 tiêu chí quốc gia. Từ khi triển khai đến nay xã Hải Đường có trên 40 đoàn khách về trao đổi, tham quan, học tập (nếu tính cả đoàn về nghiên cứu, khảo sát thì trên 80 đoàn).
Đồng thời với chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở Hải Đường, Hải Lộc, chúng tôi đã chỉ đạo khảo sát thực trạng nông thôn các xã, thị trấn so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Theo đánh giá ban đầu, trên địa bàn huyện Hải Hậu: tất cả các xã, thị trấn đạt 3 nhóm tiêu chí gồm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch, nhóm tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường và nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh, trật tự xã hội: Hầu hết các xã, thị trấn đạt 60% số tiêu chí trong nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội; 70% số tiêu chí trong nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Trong đó: 35/35 xã, thị trấn đạt 10/19 tiêu chí, 15/35 xã, thị trấn đạt 14/19 tiêu chí. Khó khăn nhất là các tiêu chí: giao thông, thuỷ lợi, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, đến nay chưa xã nào đạt đúng theo tiêu chí nông thôn mới.
Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng việc thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở Hải Đường, Hải Lộc cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các xã về chủ trương xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới còn hạn chế, cho rằng đây là dự án nên chưa thật sự chủ động, tích cực đầu tư công sức, trí tuệ và các nguồn lực để chuyển đổi sản xuất, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Vẫn còn tư tưởng sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên để đầu tư xây dựng các công trình tạo nên bộ mặt nông thôn mới, chưa thật sự chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất của nhân dân, nên việc phát triển ngành nghề, dịch vụ, giải quyết việc làm trong nông thôn chuyển biến chậm.
Kính thưa Đại hội !
Từ thực tiễn chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới ở Hải Đường, Hải Lộc và thực trạng nông thôn các xã, thị trấn, Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hậu nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra mục tiêu phấn đấu sớm xây dựng thành công mô hình nông thôn mới ở xã Hải Đường và Hải Lộc, trên cơ sở đó nhân nhanh ra diện, phấn đấu đến năm 2015 có số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo định hướng của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự kiến xây dựng Chương trình hoạt động toàn khoá, gồm 2 nghị quyết và 7 đề án, tập trung vào những vấn đề cụ thể, cấp thiết, những vấn đề có tính đột phá, tạo chuyển biến mới về chất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1 - Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp, quy hoạch đồng ruộng theo vùng sản xuất, tạo thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh với hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng đồng bộ. Tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, chỉ đạo mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa phấn đấu diện tích vụ đông có hiệu quả trên đất hai lúa năm sau cao hơn năm trước 5%, để tăng nhanh giá trị sản xuất trên 1 diện tích canh tác. Mở rộng chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo mô hình trang trại, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2015 có 450 trang trại.
2 - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, Trung tâm nhiệt điện Nam Định 2400MW tại Hải Ninh và Hải Châu theo chỉ đạo của tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh; thu hút mọi nguồn vốn và trí tuệ trong nhân dân và trong các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 có 20-25% số xã, thị trấn có làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
3 - Để thực hiện phương châm "ly nông bất ly hương", Hải Hậu cần triển khai tốt Đề án 1956 ngày 27-11-2009 của Chính phủ về công tác đào tạo, dạy nghề, truyền nghề để chuyển dần lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, từng bước giải quyết yêu cầu bức thiết nhất hiện nay là tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động trong nông thôn.
4 - Xây dựng cơ chế khuyến khích tập trung huy động các nguồn lực, nhất là huy động nội lực để nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó trọng tâm là nâng cấp, cải tạo, bảo trì đường giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông thuận tiện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
5 - Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", trong đó trọng tâm nâng cao chất lượng xây dựng xóm văn hoá, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nhà văn hoá xóm; phấn đấu xã đạt 7 tiêu chí phát triển văn hoá nông thôn mới theo đề án của Chính phủ. Giữ vững và phát huy đơn vị điển hình văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước.
6 - Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng thành công mô hình nông thôn mới...