Những giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

02:09, 27/09/2010
Trích Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn,
Giám đốc Sở GD-ĐT

 

v

...Nam Định là tỉnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, nổi danh với nhiều trạng nguyên, tiến sỹ, nhiều nhà chính trị, nhà văn hoá lớn của dân tộc đã làm rạng danh cho quê hương. Phát huy truyền thống đó, 16 năm liên tục, GD-ĐT Nam Định luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Đạt được những thành tích rực rỡ đó, những năm qua, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo, nhất là Nghị quyết TW2 (khoá VIII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH. Đó là Chỉ thị số 12-CT/TU của Tỉnh uỷ về việc củng cố nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo và xây dựng TTHTCĐ, tạo bước phát triển mới, hiệu quả cao trong GD-ĐT; Nghị quyết số 28/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện đề án đổi mới chương trình GDPT. Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về phát triển GDMN đến năm 2010, Nghị quyết số 38/NQ-HĐND về thực hiện đề án phổ cập bậc trung học. Quyết định số 1228/2006/QĐ-UB đề án xã hội hoá giáo dục. Quyết định số 2718/QĐ-UB về đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Kế hoạch số 36/KH-UB về thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp học. Nghị quyết 141/2010/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non. Đó là cơ sở pháp lý để GD-ĐT của tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho quê hương đất nước.

...Để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, ngành GD-ĐT với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện, xin được trình bày và đề xuất những giải pháp sau:

1 - Tiếp tục đổi mới công tác quản lý:

Tập trung làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giúp cho người quản lý giáo dục vừa có tâm vừa có tầm, nhằm tạo nên một đội ngũ cán bộ quản lý, dám nghĩ, dám làm, có khả năng định hướng cho sự phấn đấu đi lên của ngành, có khả năng tổ chức và điều hành công việc, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong quản lý.

Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ trẻ, tham mưu với tỉnh tạo điều kiện để các giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn đi học các lớp lý luận chính trị và nâng cao trình độ, đối với các cơ quan quản lý từ sở đến các phòng, các trường THPT chuyên nghiệp cần tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, giáo viên giỏi được đi học nghiên cứu sinh phù hợp với bộ môn đã được đào tạo.

2 - Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo:

Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và học sinh là ba trụ cột của giáo dục. Một trong hai yếu tố quan trong quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo, vì thế ngành tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục", Đề án "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL tỉnh Nam Định, giai đoạn 2006-2010". Đồng thời, triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đối với GD-ĐT việc học tập và làm theo Bác Hồ thực chất là thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", toàn ngành kiên quyết thực hiện không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không làm tổn hại đến uy tín người thầy. Mỗi giáo viên phải tự đăng ký một chuyên đề, một nội dung tự học trong năm.

Đổi mới phương pháp dạy và học là một cuộc cách mạng, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự vươn lên làm chủ kiến thức để tổ chức tốt các hoạt động dạy học, nhằm giúp học sinh có phương pháp tự học, chủ động tiếp thu kiến thức một cách có hệ thống, có tư duy phân tích, tổng hợp và phê phán. Các hoạt động dạy học được gắn với môi trường và xã hội, không chỉ học ở trong phòng học, phòng thực hành, xưởng trường, mà có thể học ở sân trường, vườn trường…

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, đồng thời tham mưu, đề nghị tỉnh cho phép mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và giao lưu, tạo môi trường học ngoại ngữ. Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo điểm một số bộ môn khoa học tự nhiên có thể dạy song ngữ, để nhân ra diện khi điều kiện cho phép. Tăng cường bồi dưỡng để giáo viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý.

3 - Tăng cường các hoạt động giáo dục:

Thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, sẽ trở thành công dân toàn cầu trong thời gian tới, đó là lớp người có đạo đức trong sáng, trí tuệ phát triển, thể lực cường tráng và tâm hồn lành mạnh. Vì vậy phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục, chỉ đạo tốt việc giáo dục lối sống, kỹ năng làm việc; giúp học sinh có ước mơ, hoài bão vượt khó vươn lên trong cuộc sống, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Chỉ đạo đưa các trò chơi dân gian, bài hát, điệu múa truyền thống và dân tộc vào chương trình ngoại khoá của các trường, nhằm giúp học sinh tự tin, hồn nhiên, sống có trách nhiệm hơn đối với gia đình và xã hội.

4 - Tiếp tục tham mưu với tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Nam Định đến năm 2015", góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy, tổ chức dạy bán trú, nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Trước mắt chỉ đạo thật tốt việc phổ cập mẫu giáo 5 tuổi để Nam Định sớm đạt chuẩn vào năm 2013.

5 - Làm tốt hơn nữa công tác XHHGD nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và từng bước hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm của GD-ĐT. Phấn đấu để các trường có đủ trang thiết bị để thực hiện việc đổi mới các hoạt động giáo dục, kiên quyết chống việc dạy chay, kết hợp chặt chẽ việc sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học, thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường lớp, từng bước tham mưu để các trường có đủ đất xây dựng trường chuẩn, phấn đấu để có được những trường mang tầm cỡ khu vực. Trước mắt tập trung đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng và nâng cấp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong 15 trường trọng điểm của quốc gia. Cần quyết liệt hơn nữa trong việc đề nghị với Chính phủ để Nam Định có một trường đại học tương xứng với tiềm năng của tỉnh, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi của tỉnh, toàn quốc về với Nam Định.

Tập trung nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp nhằm thu hút thế hệ trẻ vào học, bằng các nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh; cả xã hội phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp, để các trường đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, cho đất nước.

Tích cực mua sắm và sử dụng các phương tiện dạy - học hiện đại để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học; đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để hội nhập quốc tế...

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com