Để học nghề không còn là lựa chọn "bất đắc dĩ"

17:56, 18/09/2023

Nếu như trước đây, học nghề được coi là “điểm dừng” bất đắc dĩ của học sinh thì hiện nay, thực tế này đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trước “ngã rẽ” tương lai của mình, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới là học nghề thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa đại học, cao đẳng.

Học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trong giờ thực hành nghề may.
Học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trong giờ thực hành nghề may.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, em Duy Khoa, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường) đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) theo định hướng của gia đình. Nhưng sau thời gian suy nghĩ, em quyết định đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định bởi hoàn cảnh gia đình không quá dư dả. Theo tìm hiểu những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường có việc làm ngay sau tốt nghiệp chiếm tới 95%; ở một số ngành, nghề, 100% học sinh, sinh viên có việc làm ngay với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng. “Học phí đại học đã bắt đầu tăng. Trong khi học ở Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, chi phí học tập và sinh hoạt thấp, cuối tuần em có thể về xin thực phẩm bố mẹ để tự nấu ăn. Em cũng muốn đi làm sớm phụ giúp bố mẹ. Thời gian học nghề cũng chỉ 3 năm là ra trường và cơ hội tìm kiếm việc làm cũng dễ hơn”, Duy Khoa chia sẻ. Còn với Thanh Hương, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Trần Phú (thành phố Nam Định) cho biết: “Cuối năm học lớp 12, em có tham gia buổi hướng nghiệp của Trung tâm và quyết định chọn học nghề pha chế, làm bánh kem với chi phí học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, ra trường lại có việc làm và thu nhập ngay sau khi hoàn thành. Đặc biệt, môi trường làm việc của nghề này phù hợp với lứa tuổi bởi em được thoải mái sáng tạo, làm việc”.

Trước đây, nhiều học sinh chọn học nghề bởi vì các em không thi đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn. Thậm chí, nhiều em chọn học nghề là giải pháp tình huống trong lúc đợi đến kỳ thi đại học năm sau. Một sự chuyển biến trong một vài năm trở lại đây là xu hướng học sinh THPT lựa chọn học nghề ngày càng nhiều. Đồng thời, các trường nghề cũng tập trung đầu tư trang thiết đào tạo hiện đại, bắt kịp xu hướng phát triển. Không những vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì với những ngành nghề được đào tạo, các em cũng có thể tự mình khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình. Trên thực tế, khi thị trường việc làm đang “thừa thầy, thiếu thợ”, những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. 

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Trực Ninh thực hành nghề sửa chữa ôtô.
Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Trực Ninh thực hành nghề sửa chữa ôtô.

Việc nhiều bạn trẻ không có nhiều điều kiện kinh tế hoặc sức học trung bình, yếu, không có khả năng học tiếp lên THPT hoặc đại học thì việc chọn học trung cấp, cao đẳng nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, THPT là một sự lựa chọn đúng đắn. Việc học các trường nghề có thể tiết kiệm được quỹ thời gian khá lớn, giúp cho các em nhanh chóng trang bị được cho mình một tay nghề vững chắc, nghề nghiệp ổn định. Cơ hội tìm kiếm được việc làm rất cao nếu chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường lao động. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong các ngành kỹ thuật đang rất cần một lực lượng lao động có tay nghề có thể đáp ứng được công việc. Tỉnh Nam Định hiện có trên 1 triệu lao động, trong đó, có 356,3 nghìn người làm việc trong ngành nông, lâm, thuỷ sản (chiếm 34,15%); 396,7 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng (chiếm 38,02%) và 290,3 nghìn người làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 27,83%). Nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu khoảng 18-20 nghìn lao động, chủ yếu ở các ngành may mặc, giày da, điện tử. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp lên 48%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5% (đạt 100% kế hoạch năm). Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu cơ bản: Tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% vào cuối năm 2023.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, lệch pha cung - cầu lao động diễn ra khá phổ biến. Hàng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT bước vào giảng đường đại học trong cả nước không ít và số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng không nhỏ, nhưng tình trạng thiếu lao động, đặc biệt lao động chất lượng cao, tay nghề lao động có kỹ thuật… của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng lớn, trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm lại quá nhiều. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm phù hợp, thậm chí có nhiều sinh viên phải cất tấm bằng cử nhân để đi làm công nhân hoặc học lại một nghề khác. Nguyên nhân do không ít học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc chọn ngành, chọn nghề để lập nghiệp, chủ yếu là chọn các trường đại học để học. Chính vì vậy, đã có rất nhiều bạn trẻ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc để cố gắng theo học đại học hoặc những ngành nghề không phù hợp với năng lực của bản thân, không phù hợp với nhu cầu của xã hội dẫn đến thất nghiệp, hoặc làm việc với ngành nghề không đúng với chuyên môn được đào tạo.

Không phủ nhận rằng, tấm bằng đại học là một minh chứng tự hào cho trình độ học vấn của mỗi người. Tuy nhiên tấm bằng chỉ thực sự có ý nghĩa khi vận dụng được những kiến thức để phát triển sự nghiệp, phục vụ cuộc sống. Việc xác định được ngành học phù hợp và định hình một lộ trình nghề nghiệp từ sớm đóng vai trò quan trọng với sự thành công của các em trong tương lai. Vì vậy, cùng với sự định hướng ngành nghề từ phía gia đình và nhà trường, mỗi học sinh cần phải phân tích, dựa vào các yếu tố như đam mê, sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội, để chọn hướng đi phù hợp./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



Nhân viên văn phòng là gìTìm hiểu mbti và cách áp dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com