Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua đó góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân trong việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhân dân xã Trực Cường (Trực Ninh) tích cực tham gia xây dựng và giám sát các công trình phúc lợi phục vụ đời sống. |
MTTQ các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, tham gia góp ý xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh, đề xuất với cấp trên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân. Nhờ đó, MTTQ các cấp đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, hăng hái tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật như trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật. Kết quả, từ năm 2011 đến năm 2019, nhân dân đóng góp 3.755 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong 2 năm 2021-2022, nhân dân đóng góp xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đạt 2.077 tỷ đồng. Các hộ gia đình và nhân dân còn tự nguyện góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư (tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi.
MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Các ban này thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động nền nếp, có hiệu quả, giải quyết được nhiều kiến nghị, thắc mắc của nhân dân, hạn chế được những tiêu cực, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương; đặc biệt là đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ trong giám sát các nội dung thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trên địa bàn tỉnh có 226 Ban thanh tra nhân dân với 2.257 thành viên; 234 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.769 thành viên. Trong những năm qua, ban thanh tra nhân dân đã tiến hành giám sát 8.520 cuộc, xác minh theo yêu cầu 1.092 cuộc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tiến hành giám sát 7.389 cuộc, qua đó kiến nghị xử lý 1.356 vụ việc sai phạm. Việc tổ chức các cuộc giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, được dư luận xã hội quan tâm thuộc một số lĩnh vực như: việc sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân; các khoản thu chi của các nhà trường; giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, giám sát việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư; giám sát việc triển khai thực hiện các vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp tới người dân; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giám sát thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vệ sinh an toàn thực phẩm… Thông qua giám sát góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch công tác quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư tại cộng đồng; đồng thời đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2023, Nhà nước đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở; trong đó ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong các chủ thể quan trọng trong phát huy dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm động viên, cổ vũ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin