Quan tâm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

06:11, 10/11/2020

Kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã (HTX) có những đặc điểm rất phù hợp, gần gũi với các đặc thù, trình độ kinh tế nông thôn nước ta và mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Ðảng, Nhà nước ta. Chính vì thế Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế thúc đẩy kinh tế tập thể nói chung, kinh tế HTX nói riêng phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các dự thảo văn kiện trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ở nước ta phát triển còn yếu...

Thực tiễn tại Nam Ðịnh cho thấy rõ vai trò và hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác, HTX đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ðặc biệt thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về củng cố, chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012, đồng thời thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ở các địa phương trong tỉnh đã thành lập thêm nhiều HTX chuyên ngành với quy mô nhỏ phù hợp với năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, khả năng tài chính, song đã đạt hiệu quả kinh tế đáng kể. Nhiều HTX nông nghiệp ở các địa phương đã phát huy vai trò nòng cốt là cầu nối liên kết các hộ nông dân tham gia các chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản hàng hóa, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cánh đồng lớn, vừa đảm bảo quyền lợi cho người nông dân tham gia chuỗi. Trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vừa qua và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hiện nay của tỉnh, kinh tế tập thể, hợp tác, HTX đã đóng vai trò quan trọng với những đóng góp rõ nét, đặc biệt trong thực hiện các tiêu chí về tổ chức quản lý sản xuất, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm…

Theo các nhà nghiên cứu kinh tế thì kinh tế tập thể mang tính xã hội sâu sắc, bởi bên cạnh việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo; kết hợp các thành viên chưa mạnh để tạo ra sức mạnh tập thể tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Mới đây, làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng cũng đánh giá, kinh tế tập thể, HTX có những đổi mới hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, người nông dân, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa những chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, xây dựng NTM đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX.

Những đánh giá về kinh tế tập thể, HTX trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII; Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo Ðánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mang tính khái quát cao, song cũng cho thấy cần tiếp tục có nhiều chủ trương, quyết sách cụ thể, quyết liệt hơn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác, HTX. Tuy nhiên, trong phần Ðánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm Trung ương cần đánh giá rõ hơn tình hình thực hiện Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác xã 5 năm qua: Thành tựu, kết quả (làm rõ vai trò của HTX trong hỗ trợ “bà đỡ” cho kinh tế hộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội); vướng mắc tồn tại, yếu kém và chỉ rõ các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Khẳng định đây là một lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Ðể kinh tế tập thể phát triển như kỳ vọng của Ðảng, Nhà nước và đuổi kịp sự phát triển của mô hình HTX tiên tiến trên thế giới; các cấp, các ngành cần nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ cụ thể, từ hoàn thiện cơ chế, chính sách; năng lực quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể cho tới những giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực tạo động lực phát triển các đơn vị kinh tế tập thể cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để hiện thực hóa các mục tiêu, quan điểm, chủ trương của Ðảng đối với kinh tế tập thể, hợp tác, hợp tác xã. Ðại hội XIII của Ðảng cần có những giải pháp, quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX, tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã nêu trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ðề nghị trong phần định hướng Ðổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh bổ sung từ “hỗ trợ” vào câu: “phát triển các hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác,…” thành “hỗ trợ phát triển các HTX kiểu mới, các tổ hợp tác,…” như hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đã được nêu trong văn kiện, để góp phần thực hiện chủ trương “đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư”, hiện thực hóa quan điểm của Ðảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể HTX trong các thành phần của nền kinh tế đất nước./.

Nguyễn Hoàng Hà
(Thành phố Nam Định)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com