Để Nam Định là "điểm đến" hấp dẫn các nhà đầu tư

07:11, 09/11/2020

Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã thu hút được 506 dự án đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng vốn (trong đó có 116 dự án đầu tư FDI và 390 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 3,5 tỷ USD (FDI) tăng 8 lần so với nhiệm kỳ trước và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước). Nhiều dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh quy mô lớn có tác động lan tỏa đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy dệt Bảo Minh (80 triệu USD); dự án khách sạn Nam Cường đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế đầu tiên tại tỉnh;…Một số dự án đang được triển khai như: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu (2.072 triệu USD); dự án Công ty TNHH Top Textiles (xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu cao cấp cho hệ thống công ty may của Tập đoàn Toray với quy mô 203 triệu USD); Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (4.628 tỷ đồng);… Kết quả thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tổng sản phẩm GRDP trong tỉnh tăng bình quân 7,9%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của nhiệm kỳ trước (6,2%/năm), quy mô nền kinh tế được mở rộng; đồng thời tạo tiền đề cho tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Đại lộ Thiên Trường, đoạn thuộc phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).  Ảnh: thành trung

Đại lộ Thiên Trường, đoạn thuộc phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).

Ảnh: Thành Trung

Để có kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch liên quan trực tiếp đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư như quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch vùng của các huyện. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang triển khai xây dựng quy hoạch; hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050; triển khai thực hiện Quy hoạch khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông;... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu xúc tiến đầu tư.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một loạt công trình giao thông đường bộ huyết mạch, trọng điểm, các điểm vượt sông lớn tăng tính kết nối và năng lực giao thông vận tải của tỉnh. Tập trung hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông và thành lập mới, mở rộng thêm 10 cụm công nghiệp các huyện, thành phố. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng các công trình cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc,...; tăng sức thu hút đầu tư vào tỉnh.

Công tác cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực được tập trung thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư. Tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh với tinh thần đơn giản hóa, không phát sinh thêm thủ tục, gọn đầu mối giải quyết, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư. Thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh để tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với nỗ lực đó, tỉnh đã huy động được nguồn vốn đầu tư từ các nhà tài trợ nước ngoài để triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như Dự án kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Dự án xây dựng trạm bơm Rõng và trạm bơm Độc Bộ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong giai đoạn 2015-2020 công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh còn một số mặt chưa đạt yêu cầu: Chưa xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu vẫn là các dự án quy mô nhỏ, đòi hỏi lượng lớn lao động phổ thông. Tiến độ thực hiện một số dự án còn chưa đạt yêu cầu; quỹ đất để phục vụ cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có vốn lớn, công nghệ cao và các nhà đầu tư ở tầm chiến lược còn hạn chế. Công tác xúc tiến đầu tư chưa thật sự chủ động, xúc tiến đầu tư “tại chỗ” chưa được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhà đầu tư ở một số ngành và địa phương còn chưa đi vào thực chất.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở KH và ĐT cho biết: Giai đoạn 2020-2025, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế đã được nhận diện, tạo tiền đề cải thiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, trước mắt sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); Tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh Nam Định; các cầu lớn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ thân thiện với môi trường, khả năng nộp ngân sách lớn. Nâng cấp hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông, xử lý chất thải, nước thải,... tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đảm bảo tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, chuẩn hóa trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hướng tới các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các Tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup,... Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ cùng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh. Phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng các chính sách đặc thù đối với những dự án có quy mô lớn. Quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com