Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.
Cán bộ xã Xuân Hòa (Xuân Trường) tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính. |
Những biện pháp đồng bộ
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục quán triệt các quy định trong Luật PCTN năm 2018 và Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 22-8-2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị. Trong 10 tháng năm 2020, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với UBND thành phố Nam Định, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền cho trên 700 cán bộ, công chức các quy định của pháp luật về PCTN theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện tuyên truyền Luật PCTN trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở.
Đồng chí Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Để công tác PCTN đạt hiệu quả, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp PCTN. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch trong hoạt động; công bố công khai số liệu dự toán ngân sách và tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2020. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công khai về tài chính ngân sách và đầu tư xây dựng, mua sắm công theo quy định. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; triển khai đấu thầu qua mạng đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên năm 2020… Công bố công khai quyết định giao biên chế công chức quản lý hành chính Nhà nước; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hội, chỉ tiêu giáo viên mầm non hợp đồng năm 2020. Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đều đã tổ chức thực hiện quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về kiểm soát xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 7-10-2019 thực hiện Chỉ thị số 10/CTTTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố cũng đã chủ động ban hành kế hoạch PCTN năm 2020 để tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đến nay, chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ trong các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Một trong những biện pháp quan trọng để công tác PCTN đạt hiệu quả là việc tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” và qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến làm việc, ngày 21-2-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn. Mục tiêu là để theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan, khoa học và công bằng kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2016-2020. Kết quả chấm điểm theo Bộ chỉ số, điểm số của từng sở, UBND các huyện, thành phố đều cao hơn năm 2019. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2019 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh về giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện để phục vụ người dân nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian. Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố hoạt động hiệu quả, đã rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2020, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận 88.697 hồ sơ và đã xử lý 84.737 hồ sơ TTHC trực tuyến. Trong đó riêng quý III-2020 đã tiếp nhận 31.970 hồ sơ và đã xử lý 32.264 (tỷ lệ xử lý đúng hạn trên 99,4%). Cổng dịch vụ công trực tuyến đã trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả các cơ quan Nhà nước giải quyết TTHC xuyên suốt trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các TTHC nhanh chóng tại một địa chỉ duy nhất.
Kết quả công tác phòng chống tham nhũng
Đến hết tháng 9-2020, các địa phương, đơn vị đã và đang triển khai 15 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về PCTN tại 25 cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra, đã kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; chấn chỉnh công tác công khai minh bạch, việc thực hiện các chế độ định mức tiêu chuẩn. Riêng trong quý III-2020, toàn tỉnh đã và đang triển khai 5 cuộc thanh tra kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 8 cơ quan, đơn vị. Kết quả tại một số đơn vị vẫn xảy ra vụ việc, vụ án tham nhũng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, công tác quản lý đất đai ở địa phương; việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm thực hiện các hành vi tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng còn phát sinh cho thấy tại một số đơn vị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu chưa được quan tâm thực hiện, nhất là việc áp dụng các biện pháp về phòng ngừa tham nhũng chưa nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thụ lý, giải quyết 14 vụ án tham nhũng; 4 vụ án đang trong giai đoạn điều tra; 2 vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân truy tố, 1 vụ chuyển Tòa án chờ xét xử; 7 vụ án đã được Tòa án xét xử.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính các cấp, các ngành và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước đã đạt được kết quả tích cực trong công tác PCTN./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn