Chỉ thị về việc phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2013

08:03, 05/03/2013

Ngày 1-3-2013, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2013. Nội dung như sau:

Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường… song với sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các địa phương và người sản xuất trong tỉnh, sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; công tác thú y cơ sở ở nhiều xã vẫn còn bất cập, nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm còn rất lớn, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản phát triển chưa ổn định vững chắc.

Để chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và người dân để nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

2. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 07-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ngày 25-7-2011 và Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015.

3. Tập trung đầu tư ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất nhằm phát huy lợi thế từng vùng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi tạo sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

4. Tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính… để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản, các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thú y về phòng, chống, kiểm dịch và dập dịch kịp thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho động vật góp phần bảo vệ sản xuất:

5.1. Củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Ban chỉ đạo sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng vùng và lĩnh vực cụ thể để kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản;

5.2. Khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh, áp dụng biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng an toàn sinh học. Chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh được kiểm dịch ở những cơ sở có uy tín, có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Cải tạo tốt ao đầm trước khi thả nuôi để loại bỏ các tác nhân gây bệnh; xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi; giữ môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm; định kỳ phòng bệnh cho các đối tượng nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch bệnh kịp thời;

5.3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2013 theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất chăn nuôi;

5.4. Xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng gia súc, gia cầm phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng đồng loạt nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin; thực hiện tiêm điểm ở diện hẹp để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức tiêm đại trà và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm phòng của địa phương mình;

5.5. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác khử trùng, tiêu độc và vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan thú y;

5.6. Chỉ đạo làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh nhằm báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh không để dịch lây lan ra diện rộng;

5.7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về tiêm phòng vắc-xin, kiểm dịch động vật, kinh doanh thuốc thú y - thuốc thú y thuỷ sản và các quy định khác về phòng chống dịch bệnh động vật.

6. Chủ tịch UBND tỉnh giao:

6.1. Sở NN và PTNT:

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản năm 2013 sát với điều kiện thực tế của tỉnh (bao gồm cả kế hoạch kinh phí, nhân lực và vật tư phòng chống dịch); phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thuỷ sản…

- Chỉ đạo Chi cục Thú y quản lý và cung ứng đầy đủ kịp thời các loại vắc-xin đảm bảo chủng loại, chất lượng phục vụ tiêm phòng chính vụ và tiêm phòng bổ sung hằng tháng; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng; tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện và xử lý nghiêm kịp thời các trường hợp vi phạm trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở KH và ĐT, Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.

6.2. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh từ động vật lây sang người, theo dõi diễn biến sức khoẻ, bảo đảm an toàn cho những người tham gia tiêm phòng, dập dịch và sức khoẻ cộng đồng.

6.3. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh về việc bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thuỷ sản năm 2013; hướng dẫn Sở NN và PTNT sử dụng kinh phí được bố trí theo đúng quy định.

6.4. Các ngành Công an, Công thương, GTVT, TN và MT, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng nhiệm vụ phối kết hợp với ngành NN và PTNT tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt thực hiện tốt các nội dung trên, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở NN và PTNT) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Viết Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com