Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều điểm mới, ưu việt

08:03, 01/03/2013

Sáng 27-2, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Internet.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Internet.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến góp ý và đề xuất vào nhiều điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết. Trong đó, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết và quan trọng của Điều 4 trong Dự thảo quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước,  dân tộc và nhân dân trong suốt hơn 80 năm qua. Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng đối với những quyết sách quan trọng phát triển đất nước.

Một số đại biểu nêu rõ, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, ưu việt, đáp ứng sự phát triển của cuộc sống khi quy định về quyền con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển khoa học - công nghệ... Đáng chú ý là Điều 120 (mới) của Dự thảo có quy định về Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, điều này mới chỉ quy định Hội đồng Hiến pháp có chức năng xem xét, kiến nghị... Như vậy là chưa đúng với vai trò và vị trí của Hội đồng Hiến pháp. Cho nên, đề nghị Dự thảo cần quy định Hội đồng Hiến pháp có quyền hủy bỏ những văn bản vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp.

Điều 9 quy định về MTTQ Việt Nam, trong đó khoản 3 có nêu: Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Về điều này, nhiều đại biểu đề nghị không nên dùng cụm từ "tạo điều kiện" mà cần thay thế bằng: Nhà nước bảo đảm... Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần khẳng định và làm rõ hơn nữa nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng Đảng, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

Có đại biểu nêu ý kiến, trong Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định gia đình là tế bào xã hội... Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã không giữ quy định này. Đây là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét bởi vai trò và vị trí của gia đình trong đời sống hiện nay vẫn rất quan trọng đối với đời sống xã hội, nhất là trong việc giáo dục, định hướng nhân cách, lối sống tốt cho trẻ em, học sinh, thanh niên. Vì vậy, đề nghị Dự thảo cần tiếp tục khẳng định gia đình là tế bào xã hội. Bên cạnh đó, Điều 40 đã quy định khá rõ nét và đầy đủ về quyền của trẻ em nhưng thiếu điều khoản về trẻ em khuyết tật. Trên cơ sở đó, đề nghị Dự thảo bổ sung và làm rõ hơn nữa vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Điều 21 là Điều mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quy định: Mọi người có quyền sống. Về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là quá đơn giản, rất khó vận hành trong thực tế cuộc sống, vì vậy cần được bổ sung cụ thể và rõ ràng hơn. Cũng như vậy, Điều 50 (sửa đổi, bổ sung Điều 80) quy định: Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế. Góp ý với Điều này, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ, chính xác và đầy đủ hơn nữa, tránh tình trạng quá ngắn gọn nhưng không đủ nghĩa./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com