Ngành KSND góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:03, 04/03/2013

Ngày 28-2-2013, Viện KSND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành KSND góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao chủ trì hội nghị.

 Ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Internet)

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo đã kế thừa bản chất và mô hình bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và thể chế hoá các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó tiếp tục xác định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Viện KSND. Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề:  Lời nói đầu; Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; TAND, Viện KSND; Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp. Trong đó ý kiến đóng góp đi sâu vào các vấn đề liên quan đến chức năng nhiệm vụ, hệ thống tổ chức của ngành KSND như: Đề nghị bổ sung, mở rộng chức năng nhiệm vụ cho ngành KSND; Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh tư pháp… Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngành KSND tỉnh có hơn 30 ý kiến đóng góp vào toàn bộ Dự thảo, trong đó có một số ý kiến cụ thể như trong phần Lời nói đầu đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn ủng hộ các cuộc đấu tranh vì hòa bình trên thế giới vì sự tiến bộ của loài người”; chương I - Chế độ chính trị tại điều 1 cần quy định rõ về vị trí địa lý như kinh tuyến, vĩ tuyến của cực Đông, cực Tây, cực Bắc, cực Nam của phần đất liền cũng như ghi nhận cụ thể chủ quyền quốc gia về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chương VII - TAND, Viện KSND, đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 1 điều 112 như sau: “Viện KSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và các việc khác theo quy định của pháp luật”; khoản 1 điều 113 cần bổ sung thêm: “Viện trưởng Viện KSND Tối cao do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao nêu rõ: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản quy định đầy đủ những quan hệ xã hội cơ bản cần điều chỉnh, làm nền tảng pháp lý vững chắc, làm căn cứ xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội cần thiết nhằm bảo vệ chế độ chính trị, phát triển kinh tế, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ ngành KSND đều có cơ sở lý luận và thực tiễn, thiết thực với nhiệm vụ của ngành và mục tiêu cải cách tư pháp. Toàn bộ ý kiến đóng góp sẽ tiếp tục được hoàn thiện để Viện KSND Tối cao tổng hợp gửi về Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, cán bộ toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com