Ngày 5-3-2013, Thường trực HĐND Thành phố Nam Định phối hợp với UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố; các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Uỷ ban MTTQ các phường, xã và đại diện một số cử tri của Thành phố Nam Định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí cao với tên gọi, nội dung, bố cục của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và coi việc tổ chức lấy ý kiến là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đã có gần 10 ý kiến của các đại biểu trực tiếp đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung nhận xét những ưu điểm, nhược điểm của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, khẳng định nội dung của dự thảo đã bảo đảm cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Về kỹ thuật lập hiến, bố cục, kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của Dự thảo Hiến pháp có nhiều nét mới và nâng cao về chất lượng. Các đại biểu cũng đã sôi nổi phát biểu ý kiến bổ sung, hiệu chỉnh, sửa đổi cụ thể về nội dung một số chương, điều, khoản của Dự thảo Hiến pháp, nhất là nội dung chương quy định về thể chế chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, về bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Một số ý kiến cụ thể gồm: Ở điều 4 Dự thảo Hiến pháp cần được chỉnh sửa lại cho gọn và nên bỏ từ “đại biểu” vì không cần thiết. Ở điều 8 nên bổ sung thêm cụm từ “Dân chủ tập trung”. Ở điều 13 nên bổ sung thêm từ “Quốc hiệu” cho đầy đủ hơn. Ngoài ra, các điều 41, 43 về TDTT không nên bỏ mà cần giữ lại và tiếp tục đưa vào nội dung của dự thảo. Bên cạnh đó, điều 63 cũng cần được sửa đổi và bố cục lại cho chặt chẽ và hợp lôgíc, khoa học hơn. Ở điều 4 của chương I đề nghị bỏ cụm từ “đồng thời” và thêm vào 2 từ “duy nhất” nói về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, ở khoản 2, điều 31 cần bổ sung thêm cụm từ “Và tổ chức” vào câu “Nghiêm cấm việc trả thù…”. Ở khoản 3, điều 64 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Và những quy định của cộng đồng” để nâng cao trách nhiệm của công dân…
Toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị đã được ghi nhận đầy đủ và được Thường trực HĐND Thành phố Nam Định tổng hợp, báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh theo đúng kế hoạch./.
Phạm Quốc Tuấn