“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” thắt chặt tình hàng xóm, lân gia ở các khu phố cũng như tình làng nghĩa xóm ở nông thôn là một yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ cộng đồng hài hòa, tích cực của các khu dân cư, một nội dung quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư. Nhiều năm gần đây, trong các hoạt động cộng đồng tại các khu dân cư, tổ chức tiệc Tất niên đã dần trở thành nếp, góp phần thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Người dân xã Yên Trị (Ý Yên) chuẩn bị làm bữa cơm Tất niên. |
Đã thành nếp, cứ đến khoảng 20 tháng Chạp trở ra, gần 20 hộ dân ở tổ dân phố số 1 phường Trường Thi (thành phố Nam Định) lại bận rộn lên kế hoạch tổ chức cỗ Tất niên xóm. Trước đó nhiều ngày, đại diện các gia đình đã ngồi lại bàn bạc chọn ngày tổ chức, cắt cử người đi chợ, nấu ăn, chuẩn bị bàn ghế. Mặc dù các hộ dân sinh sống tại đây đều đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng khi tổ chức cỗ Tất niên thì cùng nhau quây quần, già trẻ, lớn bé, không ai vắng mặt. Tiền đóng góp chỉ tính "bổ đầu" người lớn, khoảng 200 nghìn đồng/suất; các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong xóm được miễn đóng góp. Ngoài ra nhà dư giả kinh tế có thể tài trợ thêm;… Tiền đóng góp ngoài chi phí cho bữa liên hoan còn dư bổ sung quỹ phục vụ các hoạt động "phúc lợi" khác của xóm như tiền thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ...
Cái thú trong bữa cỗ Tất niên xóm là người dân được thưởng thức rất nhiều món ngon đặc sản vùng miền do chính tay các thành viên trong xóm nấu, nhà nào có nguyên liệu ngon, đặc sản vùng miền mang đến góp, rồi trổ tài nấu nướng các món đặc trưng của quê hương mình. Ví như cũng là món nộm nhưng năm nay gia đình bác Trọng (quê Ý Yên) làm thì cả xóm sẽ được nếm vị ngọt bùi từ nguyên liệu chính là củ chuối tiêu thái nhỏ trộn cùng lạc rang, lá nghệ và cua đồng chiên giòn. Cũng là thịt chó nhưng nếu ông Long (quê Thanh Hóa) phụ trách thì cả xóm sẽ được thưởng thức từ kỹ thuật làm đến hương vị. Khác với cách làm thông thường, thịt chó định làm bao nhiêu món thì bấy nhiêu nồi, ông Long khéo léo chỉ dùng 1 nồi cho hẳn 3 món ăn đó là đáy nồi nấu nhựa mận; lưng nồi hấp thịt luộc và trên cùng là dồi chó khiến cho món ăn ngon ngọt, đậm đà khác hẳn nơi quán xá. Bác Nga quê Lạng Sơn chắc chắn sẽ được cả xóm trưng dụng nếu năm đó tiệc tất niên chọn ăn món thịt ngan bởi ngoài thịt ngan luộc, nấu măng khô, hay xào lăn thì bác còn chế thêm món tiết canh ngan siêu đông đặc và món nộm thịt ngan với rau răm vô cùng cuốn hút. Còn món nem nắm chắc chắn phải do các chị, các mẹ quê Giao Thủy đảm nhận… Khi bày biện lên, mâm cỗ mang đầy đủ phong vị vùng miền của những người con xa xứ về sinh sống ở dong ngõ nhỏ này.
Sau khi cúng lễ miếu quan thần thổ công, tất cả các thành viên trong xóm đều quây quần bên mâm cỗ, cùng cụng ly tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới, chúc nhau sức khỏe. Xen lẫn trong câu chuyện vui là những góp ý cho từng gia đình trong xóm về việc sinh hoạt như: Hạn chế tình trạng say xỉn, gây mất trật tự trong xóm, tránh nạn bạo lực gia đình, khuyên bảo thanh, thiếu niên chăm lo học hành, tránh xa các tệ nạn xã hội… Chân thành, bền bỉ, những góp ý như vậy đã ít nhiều khiến mỗi cá nhân, gia đình tự thay đổi mình, cùng góp sức xây dựng dong ngõ ngày càng văn minh, thịnh vượng và đoàn kết.
Ông Trần Văn Thành, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Trường Thi cho biết: Trước kia cứ tầm từ mồng 10 tháng Chạp trở đi, nhiều hộ dân trong tổ dân phố đã tự tổ chức cúng Tất niên tại nhà mình, rồi mời bà con xóm giềng lân cận sang dự. Nhà này mời qua, nhà kia mời lại rất mất thời gian; rồi người không có điều kiện mời thì áy náy. Từ khoảng năm 2015 đến nay, bà con tại các tổ liên gia đã họp nhau và thống nhất cùng tổ chức liên hoan Tất niên xóm. Ngoài cư dân trong xóm, bữa cơm Tất niên còn có nhiều khách mời là đại diện chính quyền địa phương, người dân cũ của xóm nay đã chuyển đi nơi khác. Từ khi các tổ liên gia tổ chức Tất niên xóm, tinh thần đoàn kết cùng chung sức đảm bảo an ninh, xây dựng các công trình phúc lợi và nền nếp sinh hoạt của các gia đình trong cộng đồng dân cư tăng lên rõ rệt. Những mâu thuẫn, xích mích giữa bà con xóm giềng với nhau cũng nhanh chóng được hòa giải, gắn kết trong cộng đồng khu dân cư, quan tâm, đoàn kết như anh em một nhà theo đúng nghĩa “xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau”. Tuy nhiên để việc Tất niên xóm diễn ra lành mạnh, vui vẻ, những năm qua, tổ dân phố không ngừng tuyên truyền bà con thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng thời, tăng cường sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ ban tự quản chi bộ các tổ dân phố đối với hoạt động nói trên. Từ đó, nhiều năm qua, việc tổ chức “Tất niên xóm” trên địa bàn diễn ra rất lành mạnh, không có trường hợp nào gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong cuốn “Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam”, quyển hạ, Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 2005, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh ghi: Các bạn hàng buôn bán sống với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một dinh, một sở, nhân ngày Tết đến đều có bữa tiệc Tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về ăn Tết. Các bạn hàng trong buổi Tất niên này có sửa lễ cúng thánh sư rồi cùng nhau ăn uống. Các công chức nơi công sở lấy bữa tiệc Tất niên để cùng vui và nhân đó chúc Tết nhau trước khi ai nấy về quê ăn Tết. Điều này càng khẳng định cơ sở văn hóa của phong trào tổ chức Tất niên khu liên gia để chúng ta cùng vun đắp trở thành nét đẹp văn hóa trong cuộc sống hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin