Hiện nay, nhiều phụ nữ có công việc ổn định nhưng vẫn chọn cho mình một nghề “tay trái” ngoài giờ làm ở công sở để kiếm thêm thu nhập và thỏa mãn đam mê kinh doanh của mình. Thu nhập từ những công việc này đã giúp nhiều chị em giảm gánh nặng chi tiêu trong gia đình, trong đó có nhiều người đã phát triển “thương hiệu” trên thị trường.
Cô giáo Đào Ngọc Anh, Trường Tiểu học xã Nam Toàn (Nam Trực) với nghề "tay trái" trồng hoa cây cảnh. |
Là công chức tại một đơn vị công lập, thu nhập mỗi tháng của chị Phạm Nga ở đường Nguyễn Hiền (thành phố Nam Định) tuy không thấp nhưng cũng chưa thật dư giả đối với mức chi tiêu của gia đình. Sau nhiều đắn đo, chị quyết định lựa chọn kinh doanh quần áo, giày dép thời trang. Những lúc rảnh rỗi, chị nghiên cứu mẫu mã phù hợp với chị em công sở rồi liên hệ đặt hàng. Thời gian đầu chị phải đến tận nơi bán sỉ gom hàng nên cứ mỗi cuối tuần chị lại tất bật với việc mua bán. Ban ngày chị thuê nhân viên bán hàng, tối đến lại “livestream” hoặc đăng bán trên các nền tảng xã hội. Tuy vất vả, bận bịu hơn nhưng đổi lại chị có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hiện tại, cửa hàng của chị đã trở thành địa chỉ tin cậy của chị em công sở. Chị Nga cho biết: “Ban đầu tôi cũng khá lúng túng trong việc tìm mẫu mã cũng như mua hàng tận gốc để có giá cả tốt nhất nhằm thu hút khách hàng và giới thiệu bạn bè, người quen đến mua ủng hộ. Dần dần do nắm bắt được thị hiếu của khách hàng “ruột”, người nọ giới thiệu cho người kia cộng với áp dụng các hình thức kinh doanh trên facebook, zalo nên việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi. Nhờ đó, thu nhập hàng tháng của tôi khá ổn định. Tuy là nghề phụ nhưng đã hỗ trợ tôi rất lớn trong việc trang trải cuộc sống”.
Chị Lan là một cán bộ công tác tại Hội Phụ nữ, công việc khá bận rộn nhưng với bản tính đảm đang, tháo vát chị rất hay mày mò nghiên cứu các món ăn tốt cho sức khỏe, trong đó có món bột ngũ cốc. Ban đầu, chị chỉ làm để bản thân và gia đình dùng, mỗi lần mang đến cơ quan uống, chị đều mời mọi người uống thử và góp ý, không ngờ được nhiều người khen ngon và nhờ chị làm giúp. Dần dần chị được một lượng khách nhất định đặt hàng đều đặn và phản hồi tốt cho sức khỏe nên chị chuyên tâm hơn cho công việc phụ của mình. Hàng ngày, chị tranh thủ buổi trưa đãi đỗ, tách hạt, chiều về rang, xay hoàn toàn thủ công nên khá bận rộn. Ngoài loại ngũ cốc dinh dưỡng được làm từ 20 loại hạt, chị còn làm riêng theo yêu cầu kết hợp hạt theo yêu cầu của khách để phù hợp với sức khỏe của từng đối tượng khách hàng. Vì vậy, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người sau khi trải nghiệm đều tiếp tục đặt hàng và giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng mua về sử dụng. Ngoài ra, chị chăm chỉ đăng tải hình ảnh, video, xây dựng kênh bán hàng trên các trang mạng xã hội và tích cực tương tác với khách hàng. Đến nay, khách hàng biết đến sản phẩm của chị nhiều hơn, không chỉ trong thành phố mà còn vươn ra thị trường các huyện và các tỉnh. Theo chị Lan, kinh doanh thực phẩm không khó nhưng đòi hỏi đam mê, kiên trì và có tâm với nghề. Tuy sản phẩm đơn giản nhưng người bán cũng cần phải tìm hiểu kỹ thành phần, công dụng, các phản ứng sau khi dùng để tư vấn cho khách hàng. Khi khách muốn mua bất cứ sản phẩm nào, chị đều nhiệt tình tư vấn, hỏi kỹ càng xem khách có tiền sử dị ứng, hiện trạng sức khỏe, nhu cầu sử dụng… để chọn loại sản phẩm phù hợp. Suốt hơn một năm kiên trì khởi nghiệp, các sản phẩm ngũ cốc của chị Lan đã tạo dựng được niềm tin trong người tiêu dùng. Với lượng khách hàng tiềm năng trên các trang bán hàng, gần đây chị kết hợp bán ngũ cốc với một số sản phẩm mỹ phẩm từ các cơ sở có uy tín và được khá nhiều người mua ủng hộ. Với chị, nghề “tay trái” không chỉ là kiếm thêm thu nhập mà còn là niềm vui mỗi ngày khi những người dùng sản phẩm của chị đều có phản hồi tích cực.
Không có điều kiện kinh doanh hay tự tay làm ra sản phẩm phục vụ cuộc sống, hiện nay có khá nhiều công chức, người lao động đã tìm được cho mình nghề “tay trái” phù hợp với điều kiện của bản thân như lấy nhập hàng tận gốc rồi rao bán trên các trang mạng xã hội; nhiều người làm cộng tác viên bán hàng quần áo, hàng gia dụng, mỹ phẩm xách tay… Trong số đó, nhiều người đã duy trì và mở rộng công việc, trở thành một đầu nhánh phân phối trong hệ thống bán hàng tại địa bàn. Ở các cửa hàng “tổng kho” trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định), cứ mỗi buổi trưa hoặc giờ tan tầm lại tất bật người đến lấy hàng, trong số đó không ít khách hàng là những nhân viên công sở, người lao động đang làm việc tại các công ty. Chị Thanh Phương là giáo viên Trường Mầm non Nam Phong (thành phố Nam Định) đến với nghề “tay trái” gần 2 năm nay. Ban đầu chị chỉ đăng bán những mặt hàng mà những người thân có như trứng gà sạch, chim câu, hoa, cây cảnh theo mùa, sau này lượng khách trên facebook đông hơn chị tìm đến các cửa hàng “tổng kho” đồ gia dụng giá bình dân để làm cộng tác viên, lấy công làm lãi. Hàng ngày chị dậy sớm đăng bài, trưa khi canh cho các con ngủ chốt đơn và cuối ngày chị đi khắp nơi ship hàng. Những ngày cuối năm chị tranh thủ đăng bán các “đặc sản” của quê hương như quất cảnh, lan và các loài hoa sẵn có ở các nhà vườn và được khá nhiều đơn hàng. Tuy trung bình thu nhập không cao nhưng hàng tháng chị cũng để ra được một khoản để chi tiêu cho gia đình.
Hiện nay, nghề "tay trái" đang ngày càng phổ biến thu hút không chỉ chị em phụ nữ mà có cả nam giới, tuy chỉ là công việc phụ, nhưng nó không chỉ mang lại lợi ích về mặt vật chất mà còn giúp nhiều người tìm được niềm vui trong công việc và cuộc sống thường ngày. Ngoài kinh doanh nhiều người đã khai thác khả năng từ công việc chính của bản thân như: viết lách, kế toán, kinh doanh, nội trợ, dẫn chương trình, dạy nhảy, dạy múa, dạy yoga, tổ chức sự kiện, nuôi trồng, phát triển kinh tế từ lợi thế của quê hương... Trong số đó, nhiều người đã thành công, mang đến thu nhập chính cho gia đình. Dù phát triển bản thân từ nghề “tay trái” nhưng phần lớn mọi người đều có ý thức cho công việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị bởi các chị hiểu rằng “việc chính” có tốt, “việc phụ” mới thành công./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin