Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-CĐN ngày 2-4-2019 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phát động triển khai trong toàn ngành; trong đó, điểm nhấn là xây dựng các “trường học hạnh phúc” nhằm ứng phó với những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong trường học liên quan đến năng lực nghề nghiệp, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ nhà giáo, người lao động.
Thầy và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) trong một giờ học. |
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành, các nhà trường xây dựng kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm mục đích tăng cường nhận thức và năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo, người lao động ở các trường học góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt những hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm đạo đức trong nhà trường. Quá trình thực hiện, Ban giám hiệu các nhà trường và Công đoàn cơ sở trường học phối hợp chặt chẽ để động viên, hỗ trợ giáo viên có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả trong các tình huống sư phạm, trong các mối quan hệ, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo, nêu gương tốt về tác phong người thầy. Các trường vận dụng giải pháp thay đổi nhận thức trong đội ngũ: mỗi cán bộ, giáo viên tự soi mình, tự thay đổi để hoàn thiện bản thân từ tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm và cả cách tổ chức các phương pháp, kỹ thuật giáo dục tạo cho học sinh cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ thứ hai” của các em; ở trường, các em được an toàn, được bảo vệ, được tôn trọng và hỗ trợ phát triển toàn diện. Các trường cũng thường xuyên đưa ra những câu hỏi xử lý tình huống sư phạm cho giáo viên trong các cuộc thi năng lực sư phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm và cách xử lý của giáo viên trong giáo dục học sinh. Quán triệt giáo viên thay đổi các hoạt động giáo dục: chú trọng nhiều hơn các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống; thay đổi cách tổ chức các buổi chào cờ truyền thống bằng hình thức giáo dục các em sinh hoạt theo chủ điểm từng tháng, tạo cơ hội để các em tham gia sinh hoạt tập thể, trao đổi học tập, rèn luyện sự mạnh dạn, lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Trong năm học, nhiều trường như: THPT Ngô Quyền; Tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Công Trứ đã mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện và giao lưu với giáo viên, học sinh về các vấn đề của tuổi mới lớn, các kỹ năng cơ bản ứng phó trước những tình huống phức tạp xảy ra trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày… Các trường THPT: Nguyễn Khuyến, Trần Văn Lan, giáo viên tích hợp giáo dục kỹ năng sống - kỹ năng giao tiếp ứng xử trong các tiết học, các bài giảng ở tất cả các bộ môn trên lớp để rèn kỹ năng xử lý tình huống cho học sinh. Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động qua việc phổ biến kịp thời các văn bản, các quy định về đạo đức nhà giáo, các hành vi ứng xử trong và ngoài lớp học, trường học thông qua các buổi họp Công đoàn, các buổi sinh hoạt chuyên đề; kỹ năng ứng xử của các thầy cô trước các hành vi lệch chuẩn của học sinh. Trường không chỉ chú trọng giáo dục giảng dạy, bồi dưỡng tri thức, mà còn chú trọng đến các hoạt động toàn diện của người học, của nhà giáo, người lao động. Năm học 2022-2023 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường đã thay đổi cách thức các buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, đổi mới hoạt động chào cờ truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp. Để có một thế hệ học sinh năng động, tự tin, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sau những tiết học chính khóa ở trường, học sinh được sinh hoạt câu lạc bộ sở thích, qua đó phát huy năng lực tiềm ẩn của các em. Thực hiện khen và phê bình học sinh phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh. Tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học... Nhiều năm qua, trường không có trường hợp cán bộ, nhà giáo, người lao động vi phạm kỷ luật đạo đức nhà giáo; không có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của học sinh, phụ huynh.
Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tinh thần ứng xử văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh, “nói không với bạo lực học đường” trong tập thể sư phạm nhà trường và học sinh trong những ngày đầu năm học, trong hội nghị cán bộ viên chức, trong các cuộc họp giao ban, trong các cuộc họp tổ chuyên môn… Công tác tuyên truyền, vận động, nhấn mạnh vào các thông điệp: cán bộ quản lý, các thầy cô giáo hãy thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”..., xây dựng “trường học hạnh phúc” nơi thầy cô ứng xử chuẩn mực, yêu nghề, tận tâm với học sinh... Quá trình thực hiện, các trường nhận được sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương, sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh học sinh.
Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trong các nhà trường để xây dựng trường học hạnh phúc là hoạt động quan trọng, cần thiết trong tình hình mới, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực và ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới chấm dứt các hiện tượng vi phạm các quy chế, quy định về đạo đức nhà giáo. Qua đây góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong bối cảnh các trường học, học sinh đang bị tác động nhiều chiều hiện nay./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin