Thực trạng dạy thêm, học thêm dịp hè

07:03, 03/08/2023

Với mục đích thiết thực là học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, ngoài thời gian học ở trường, nhiều gia đình đã dành thời gian, tiền bạc tập trung đầu tư cho con em tham gia các lớp học văn hóa. Không chỉ học thêm trong năm học, kỳ nghỉ hè của các em vẫn “phải nhường” cho bố mẹ, thầy cô quyết định. Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động dạy thêm, học thêm vào dịp hè đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Nghỉ hè, nhiều học sinh được bố mẹ cho học các môn năng khiếu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định.
Nghỉ hè, nhiều học sinh được bố mẹ cho học các môn năng khiếu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định.

Thời điểm này học sinh trong toàn tỉnh đã bắt đầu đến trường chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024. Thay vì niềm vui háo hức được gặp lại bạn bè, thầy cô sau quãng thời gian nghỉ hè, nhiều em cảm thấy việc đến trường cũng “bình thường” như bao ngày khác, bởi những ngày hè các em vẫn phải đi học và gặp mặt bạn bè tại nhà cô giáo hoặc địa điểm cô giáo thuê. Nhiều phụ huynh và học sinh khẳng định, ngay sau khi kết thúc năm học, hầu hết các em đều nhận được lịch học của giáo viên chuẩn bị dạy các em vào năm học mới qua buổi họp phụ huynh cuối năm. Anh Nguyễn Vinh, đường Phạm Ngũ Lão (thành phố Nam Định) cho biết: “Việc học thêm đã diễn ra quanh năm rồi. Lẽ ra nghỉ hè phải để các con “xả hơi” sau quãng thời gian dài miệt mài học tập. Tuy nhiên, vừa kết thúc năm học, cô giáo chủ nhiệm cũ đã gợi ý năm sau lớp con tôi sẽ học cô A, cô B và có lịch học thêm trong tuần khiến gia đình và bản thân con tôi thấy rất bức xúc, nhưng nghe con nói các cô hay dạy trước chương trình mới nên cuối cùng tôi vẫn “tự nguyện” cho con đi học”. Còn chị Phạm Vân, đường Cù Chính Lan, phường Trần Tế Xương lại sốt sắng tìm lớp học thêm cho con ngay từ khi năm học cũ còn chưa kết thúc. Chị cho rằng, năm học này con chị lên lớp 9, đồng nghĩa với việc con chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 nên việc học thêm bổ sung kiến thức không có gì là bất cập, bởi ai cũng mong muốn con thi đỗ vào trường THPT công lập. Vì vậy, tuy nghỉ hè nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, hầu như ngày nào con cũng phải đi học với các môn chủ đạo như: Toán, Văn, ngoại ngữ (tiếng Anh). Giữa cái nắng mùa hè chói chang, cả mẹ và con đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng chị Vân luôn động viên con cố gắng vì mục đích đã đặt ra phải thi đỗ vào trường A…

Không chỉ học thêm ở các lớp lớn, bé Trà My năm nay sẽ bước vào lớp 1 đã được mẹ cho đi học thêm từ trước khi nghỉ hè và đến nay bé đã đọc thông, viết thạo. Chị Lam, mẹ bé cho biết, sở dĩ bé được cho đi học thêm sớm bởi trước kia, anh trai của bé khi vào lớp 1 do không học trước chương trình nên khi các bạn đã đọc được bài thì con chị vẫn ê a đánh vần. Để theo kịp bài trên lớp, mỗi buổi tối, mẹ con chị đánh vật với tập viết, tập đọc. Vì thế, lần này rút kinh nghiệm, chị cho con út đi học thêm sớm. Hiện tại, con chị đã biết cộng trừ trong phạm vi 20, đánh vần được. Chị Lam tâm sự: “Học sinh lớp 1 hiện theo chương trình phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018), được đánh giá là “nặng” hơn trước kia, tôi nghe nói nếu không học trước con sẽ không theo kịp chương trình thay đổi. Khi đi học thêm, cô có kỹ năng sư phạm sẽ dạy con đúng cách hơn mình dạy con ở nhà, bởi sách giáo khoa mới tuy vẫn dạy từng chữ cái nhưng tốc độ nhanh, có bài 2 vần hoặc 4 vần. Trước đây, chương trình yêu cầu hết học kỳ 2, học sinh đọc trôi chảy được một đoạn văn nhưng bây giờ nhiệm vụ đó phải hoàn thành ở học kỳ 1 để sang kỳ sau là đọc hiểu. Sau mỗi buổi, cô giao bài về nhà, viết thêm 1-2 mặt giấy, tập đọc, tập đếm, tập làm toán khiến tôi yên tâm hơn”.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều phụ huynh nghe nói khi con vào lớp 1 học theo chương trình mới, cha mẹ “không được” và “không thể” dạy con ở nhà vì chương trình hoàn toàn mới, đã đẩy tâm lý “không yên tâm” của phụ huynh lên một bậc. Trong khi đó, để chuẩn bị vào lớp 1, trẻ cần phát triển toàn diện ở 5 mặt gồm: nhận thức, thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và thẩm mỹ. Những nội dung này đều có trong chương trình giáo dục mầm non ở lớp 5 tuổi, các em được làm quen, nhận biết, tô màu chữ cái. Với môn Toán, các em biết cách thêm, bớt trong phạm vi 10, đếm trực quan và viết các con số. Khi vào lớp 1, cả học kỳ 1, học sinh mới học cộng, trừ trong phạm vi 10. Vì thế, nếu học trước và đã thuần thục phép tính, nhiều em sẽ không tập trung, nghĩ đã biết hết rồi, làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

Qua khảo sát tại địa bàn thành phố Nam Định, tình trạng dạy thêm, học thêm bắt đầu sôi động từ tháng 6, chủ yếu tại các hộ dân cho thuê nhà. Điều dễ nhận thấy tại các lớp học này là việc thực hiện theo những quy chuẩn cần thiết như diện tích lớp học, bàn ghế, bảng chống lóa... chưa bảo đảm theo quy định, số lượng học sinh quá đông so với diện tích phòng học, thu học phí cao hơn quy định, dạy trước chương trình, không phân loại học sinh khi chia lớp dạy… Ở một góc độ nào đó, việc bồi dưỡng “lỗ hổng” kiến thức đối với những học sinh yếu kém, nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp… đối với những em khá, giỏi là nhu cầu chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hầu hết việc đi học thêm hiện nay, nhất là học thêm trong hè đều không nhằm mục đích trên mà là để học trước chương trình, nghĩa là học chương trình mà vào năm học mới các em chỉ việc… học lại. Được biết, giữa tháng 8 hàng năm, việc dạy thêm, học thêm cũng chỉ được tổ chức cho các em học sinh có học lực yếu kém, các em trong diện phải thi lại… và việc dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay tại nhà trường. Còn trong năm học, tất cả các giáo viên có nhu cầu dạy thêm phải được sự cho phép của nhà trường và chính quyền sở tại. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện quy định như thế nào lại là chuyện của… các thầy, cô giáo và nhu cầu của phụ huynh, học sinh! Mặt khác về phía phụ huynh, thấy “nhà nhà học thêm, người người học thêm” nên phần lớn mọi người đều lo lắng nếu con cái mình không đi học thêm sẽ không theo kịp các bạn. Và như vậy, việc phụ huynh đề nghị giáo viên mở lớp để dạy con em vẫn diễn ra.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Thành phố Nam Định cũng có nhiều văn bản quán triệt các chỉ thị, quy định của Bộ GD và ĐT, của UBND tỉnh đến phòng GD và ĐT thành phố để triển khai những vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra, gây bức xúc cho đông đảo phụ huynh học sinh. Nhiều người đặt câu hỏi, do áp lực chạy đua theo chất lượng giáo dục hay do lợi nhuận từ việc dạy thêm mà hoạt động dạy thêm vi phạm quy định vẫn được làm ngơ. Trong khi đó, cũng cùng một vấn đề nhưng tại các địa phương khác lại được thực hiện rất tốt. Hầu như ở các xã, thị trấn không có hiện tượng dạy thêm, học thêm trong hè.

Hy vọng, trong năm học mới, ngành GD và ĐT, các địa phương sẽ có sự phối hợp tốt hơn trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trong cả năm học và trong thời gian nghỉ hè, góp phần giảm áp lực học tập văn hóa, để các em học sinh có thời gian rèn luyện kỹ năng xã hội và thể chất để phát triển một cách toàn diện./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com