Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

20:06, 23/02/2023

Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục, những năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài từ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, từng bước góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.

Cán bộ Đồn Biên phòng Văn Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh) trao học bổng cho học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Hồng Minh
Cán bộ Đồn Biên phòng Văn Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh) trao học bổng cho học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu). 

Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là địa phương tiêu biểu trong hoạt động khuyến học, khuyến tài và đã được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã từ năm 2016. Để phong trào khuyến học đạt hiệu quả, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện các tiêu chí danh hiệu học tập, tạo sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai xây dựng cộng đồng học tập, Hội Khuyến học thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập. Cùng với đó, hoạt động khuyến học, khuyến tài và học tập suốt đời cũng được Hội Khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn quan tâm đẩy mạnh. Hàng năm, Hội Khuyến học thị trấn và các chi hội khuyến học vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, trao thưởng cho các em học sinh đạt thành tích trong học tập, học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn thị trấn. Để tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đáp ứng tiêu chí cộng đồng học tập, Hội Khuyến học thị trấn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức đoàn thể mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức với các chuyên đề học tập thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các lớp bồi dưỡng kiến thức nhằm giúp người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế... Đến nay, 100% cán bộ, công chức thị trấn có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo, điều hành theo vị trí việc làm. Tỷ lệ người lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao công nghệ sản xuất tại Trung tâm học tập cộng đồng đạt trên 70%. Số lao động từ 15 đến 60 tuổi đã có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, trong đó lao động qua học nghề, truyền nghề đạt 95%. Tỷ lệ tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” đạt 100%.

Thôn 1, 2 làng Đệ Nhì, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) có 251 hộ với gần 800 nhân khẩu; người dân trong thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Thời điểm trước năm 2000, việc học hành của con em trong các gia đình chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ học sinh trong thôn học lên cao không nhiều. Để thúc đẩy việc học tập, nâng cao trình độ dân trí, năm 2007, chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn, đã tổ chức thành lập chi hội Khuyến học thôn, từ đây việc học tập của con em các gia đình trong thôn từng bước được quan tâm, đầu tư. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện chủ trương xây dựng các mô hình học tập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng, chính quyền địa phương, phong trào học tập trong thôn không ngừng được nâng cao. Trong đó thôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng gia đình học tập, xem đây là nền tảng để xây dựng cộng đồng học tập. Chính vì vậy, chi hội Khuyến học thôn đã phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến bà con và vận động mọi người, mọi nhà đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình học tập. Đến nay, toàn thôn đã có trên 85% gia đình được công nhận gia đình học tập. Nhiều gia đình, dòng họ trong thôn đã thành lập được Quỹ Khuyến học để động viên con cháu, như dòng họ Đào Bùi Trần, Nguyễn Đình, Trần Văn…, trong đó dòng họ Đào Bùi Trần có 1 Phó Giáo sư, 2 Tiến sĩ. Năm 2016, dòng họ đã được UBND huyện tặng bức trướng về thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Hiện tại, quỹ khuyến học của thôn có số dư quỹ gần 10 triệu đồng để phát thưởng, động viên các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, đồng thời quan tâm tạo điều kiện để những gia đình khó khăn trong thôn cho con em ăn học lên cao, học nghề. Đây chính là những điều kiện, tiền đề quan trọng để thôn 1, 2 Đệ Nhì được công nhận là cộng đồng học tập.

Ga đình ông Lều Văn Vị, xã Giao Thanh (Giao Thủy) rất khó khăn về kinh tế, bởi thu nhập chủ yếu từ nguồn sản xuất nông nghiệp. Sau khi được tuyên truyền, vận động của các cấp Hội Khuyến học, ông xác định, nếu không lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn thì sẽ rất khó để phát triển bản thân cũng như đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước. Khi xã Giao Thanh triển khai chủ trương xây dựng mô hình gia đình học tập, nhận thấy ý nghĩa của mô hình, gia đình ông đã đăng ký xây dựng và luôn động viên các thành viên trong gia đình tiếp tục thi đua học tập dưới mọi hình thức. Vì vậy, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, vợ chồng ông vẫn luôn quan tâm, chăm lo, động viên các con cố gắng học tập, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp. Không phụ công bố mẹ, cả 4 người con của gia đình ông đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người có trình độ Thạc sĩ. Được biết, hiện nay, cả 4 người con của ông Vị đều có công việc, thu nhập ổn định và giữ những vị trí cao ở các công ty, tập đoàn lớn trong nước. Bản thân vợ chồng ông, ngoài việc học trên mạng internet, qua các phương tiện thông tin, truyền thông, ông Vị còn tích cực tham gia các hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng xã, góp phần nâng cao kiến thức, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần.

Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, khu phố và cộng đồng dân cư, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận. Hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập, trong đó có 75,8% dòng họ được công nhận. Hơn 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập, trong đó có 74% đã được công nhận. Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố; đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng Quỹ Khuyến học hoạt động có hiệu quả. Những kết quả đó góp phần ngày càng nâng cao nhận thức về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com