Hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

08:31, 22/02/2023

Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (gọi tắt là Đề án 428), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện hiệu quả. Qua thực hiện đề án đã nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, giải quyết thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, phức tạp kéo dài, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân trên địa bàn xã Hải Lý (Hải Hậu).
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân trên địa bàn xã Hải Lý (Hải Hậu).

Triển khai nội dung Đề án 428, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện; đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện của địa phương triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ động xây dựng các văn bản, kế hoạch tham mưu, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hòa giải viên; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành và hàng trăm tin, bài giới thiệu các văn bản chính sách pháp luật mới, các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương và của tỉnh để phục vụ công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thường xuyên duy trì các chuyên mục PBGDPL, thông tin về hỏi - đáp pháp luật; cập nhật các tin, bài, tài liệu, video, hình ảnh về hoạt động hoà giải ở cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức và phối hợp tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải cho đội ngũ tập huấn viên các cấp; cử tập huấn viên cấp tỉnh tham gia các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức. Trong quá trình triển khai đề án, đội ngũ tập huấn viên và hoà giải viên ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn có đủ năng lực, kiến thức, phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải ở cơ sở và luôn bám sát vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để tư vấn, thực hiện các hoạt động hoà giải theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với cấp huyện, ngay khi tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, các huyện đã giao phòng Tư pháp là đơn vị nòng cốt thực hiện đề án, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh,… nhanh chóng triển khai xuống cơ sở thôn, xóm và xây dựng kế hoạch triển khai các phần việc cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên và mạng lưới tuyên truyền viên; phát các tờ rời, tờ gấp, sổ tay, sách pháp luật… trong các cuộc họp của thôn, xóm, tổ dân phố; tổng kết thi đua của các đơn vị và lồng ghép vào cuộc sinh hoạt của các hội, đoàn thể. Trong giai đoạn thực hiện Đề án đã phát tổng số gần 60 nghìn tờ gấp, hơn 5.000 tài liệu hoà giải và hàng trăm sổ theo dõi, ghi chép hoạt động hoà giải ở cơ sở. Các xã, phường, thị trấn đã chăng treo hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, áp phích có các nội dung tuyên truyền pháp luật… tại các tuyến đường giao thông, trụ sở làm việc, nhà văn hoá, trường học, trạm y tế…; nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin triển khai việc tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook; qua hệ thống loa truyền thanh… 

Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, hòa giải viên các cấp tỉnh, huyện, xã luôn được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 tổ hòa giải với hơn 14 nghìn hòa giải viên. Các tổ hòa giải được kiện toàn theo thôn, xóm, tổ dân phố; thành viên tổ hoà giải là bí thư, trưởng thôn, xóm, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các hội, đoàn thể; các đồng chí là đảng viên; những người công tác trong các cơ quan Nhà nước đã nghỉ hưu có uy tín trong cộng đồng; nhiều thôn, xóm mời các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia tổ hoà giải…; nhiều thôn có từ 2-3 tổ hoà giải, trung bình mỗi tổ có từ 5-10 hoà giải viên. Tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện Đề án 428 là huyện Trực Ninh. Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội, xây dựng, hoàn thiện chuyên mục “Hỏi - đáp pháp luật” trên Cổng Thông tin điện tử huyện; đẩy mạnh việc củng cố, tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các xã, thị trấn. Hiện nay, toàn huyện có 27 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 48 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hàng trăm lượt báo cáo viên pháp luật được tập huấn, phổ biến những nội dung cơ bản pháp luật về đất đai; xử lý vi phạm hành chính; xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phòng cũng tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL ở cả 21 xã, thị trấn cho hơn 250 lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, Ban CHQS huyện, Công an huyện và các chủ tịch, phó chủ tịch UBND, trưởng Công an các xã, thị trấn… Phòng Tư pháp huyện còn kịp thời tham mưu với UBND huyện đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thành việc kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở sau sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố; tổ chức tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; cập nhật, đăng tải “Tài liệu Bồi dưỡng hòa giải viên ở cơ sở” và “Tổng hợp một số vụ việc điển hình hòa giải ở cơ sở” trên Cổng Thông tin điện tử của huyện, xây dựng mục PBGDPL để tăng cường nguồn tài liệu tham khảo cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở nghiên cứu, sử dụng.

Với các giải pháp đồng bộ, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, hoạt động hoà giải trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận hàng nghìn vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành công trung bình đạt trên 80%. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com