Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau (kỳ 1)

21:23, 15/01/2023

Kỳ I: Khi Nghị quyết 15 “vào” cuộc sống

Chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, công tác chăm lo đời sống các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo đang được cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như hỗ trợ nhà ở, giống, vốn, trao sinh kế, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đây là truyền thống cao đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc; vừa là tinh thần trách nhiệm, thể hiện tấm lòng, tình cảm của các cấp, các ngành và cộng đồng đối với những người yếu thế trong xã hội.

Nông thôn mới nâng cao xã Hải Quang (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Việt Thắng
Nông thôn mới nâng cao xã Hải Quang (Hải Hậu). 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-1-1946, Người nói: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Ngày 1-6-2012, tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XI Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội (CSXH) giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 15-NQ/TW). Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về một số vấn đề CSXH với mục tiêu “Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu lực, hiệu quả 5 nhóm chính sách ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2012-2020 gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chính sách về việc làm, thu nhập và giảm nghèo; Bảo hiểm xã hội (BHXH); chính sách trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Nghị quyết 15, Sở LĐ-TB và XH đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành hơn 20 văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; giai đoạn 2011-2015 và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 2978/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 25-4-2017 triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 23-2-2017 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách địa phương cho đối tượng là người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình; Quyết định số 2978/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 2161/QĐ-UBND phê duyệt Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15-10-2020 thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2020. 

Nghề thủ công mỹ nghệ chắp nứa tại xã Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương.
Nghề thủ công mỹ nghệ chắp nứa tại xã Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương.

Tại huyện Giao Thủy, thực hiện Nghị quyết 15, nhất là công tác giảm nghèo bền vững, huyện tập trung cao phát triển sản xuất, tạo việc làm cho nông dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 82 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 0,18%. Toàn huyện có trên 95% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt trên 92%. 17/22 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Dân số huyện Ý Yên có gần 24 vạn người. Đồng chí Nguyễn Tuấn Song, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Dưới sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện được triển khai và đạt được nhiều kết quả. Trình độ sản xuất, điều kiện học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện ổn định. Từ năm 2010-2021, huyện đã hỗ trợ xây dựng 40 ngôi nhà chữ thập đỏ, 202 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, với tổng số tiền là 3,8 tỷ đồng. Quỹ Mái ấm công đoàn huyện hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 27 ngôi nhà cho các đối tượng là cán bộ, đoàn viên công đoàn có đời sống khó khăn, với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ, từ năm 2010-2020, huyện đã tổ chức 193 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 7.455 lao động ở nông thôn, trong đó có 3.140 lao động nông nghiệp, 4.315 lao động phi nông nghiệp. Huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 906 triệu đồng. Đến nay, Ý Yên có 29/31 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao (chiếm hơn 95%), đời sống nông thôn khởi sắc toàn diện, thêm nhiều thuận lợi cho người nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Xã Hải Chính duy trì nghề làm muối với diện tích 80ha.
Xã Hải Chính duy trì nghề làm muối với diện tích 80ha.

Tỉnh Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Bằng các giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, đạt được mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống, tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, giai đoạn 2008-2020, toàn tỉnh có 104.011 lượt hộ nghèo, 50.690 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; 130.055 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo; có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi trong giáo dục đào tạo; 682.984 lượt người nghèo và 868.564 lượt người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. 293.559 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. 2.902 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ Quỹ “Ngày vì người nghèo”; 6.038 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 403.991 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; 6.162 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề từ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 415 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia thực hiện mô hình giảm nghèo.

​​Bằng nhiều chương trình đồng bộ, hiệu quả, phù hợp trong từng bối cảnh địa phương, toàn tỉnh đã nỗ lực đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống, hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo một cách vững chắc. 

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com