Lan tỏa niềm vui ngày cuối năm

08:21, 13/01/2023

Những ngày cuối năm Nhâm Dần, người người, nhà nhà nô nức sắm sửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hoà trong dòng người hối hả ấy, tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định, những cán bộ, nhân viên y tế vẫn đang tất bật với công việc như thường ngày. Đặc biệt, trong thời khắc Giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi hầu hết mọi người đón Tết bằng tiếng cười chào năm mới, bên trong cánh cổng bệnh viện phụ sản, các y, bác sĩ lại đón Tết bằng tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ. Họ đón Tết bằng những ca trực, bằng tinh thần, trách nhiệm và bằng sự cảm thông, sẻ chia với người bệnh, căng mình với những ca hộ sinh, giúp gia đình sản phụ “mẹ tròn, con vuông”, đón năm mới trong niềm vui trọn vẹn.

Nữ điều dưỡng Khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Nam Định chăm sóc bé sinh non.
Nữ điều dưỡng Khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Nam Định chăm sóc bé sinh non.

Bệnh viện Phụ sản Nam Định là bệnh viện hạng II chuyên ngành sản phụ khoa với 18 khoa, gồm 5 phòng chức năng, 13 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 350 giường kế hoạch và 162 biên chế trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế Nam Định và sự chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Không khí tại bệnh viện những ngày cuối năm diễn ra rất khẩn trương. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nam Định cho biết: “Nhiều gia đình có tâm lý sinh con trước đêm 30 Tết hoặc sau Giao thừa để hợp tuổi, nên số sản phụ đến bệnh viện rất đông. Bởi vậy, dù là ngày Tết, bệnh viện luôn duy trì kíp trực gồm bác sĩ ở cả phòng khám cấp cứu, khoa sinh thường, sinh dịch vụ. Mỗi khoa ít nhất 3-4 y tá trực, riêng khoa đẻ thường luôn có 8 y tá trực bất kể bệnh nhân ít hay nhiều, để đảm bảo xử lý tốt mọi sự cố xảy ra. Trong những ngày Tết, nhất là đêm Giao thừa mà phải xa gia đình, vào bệnh viện làm việc thì ai cũng có một chút ngậm ngùi. Nhưng trong thời khắc năm mới được đón chào những công dân đầu tiên, được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của những ông bố, bà mẹ là niềm mong ước lớn nhất của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Nam Định. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, một khởi đầu suôn sẻ, bình an sẽ bắt đầu cho một năm bình an”. Bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm đã có hơn 10 năm công tác trong nghề y và đã có 3 năm trực tiếp đón Giao thừa tại bệnh viện. Bác sĩ Khiêm cho biết, làm nghề y thì phải chấp nhận đi trực trong những ngày lễ, Tết là chuyện bình thường. Ngày Tết nhưng đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện luôn phải túc trực tại bệnh viện. Tâm sự về kỷ niệm trực Tết, Bác sĩ Khiêm chia sẻ: “Tôi nhớ nhất đêm Giao thừa năm Canh Tý cách đây 2 năm, tôi được đón em bé đầu tiên của năm mới. Trước thời khắc thiêng liêng, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Y tế và nhiều anh chị em y, bác sĩ chúng tôi đã tập trung lại chờ đợi em bé ra đời. Đó là một bé gái xinh xắn, khỏe mạnh, nặng 3,5kg. Em bé chào đời sau khoảnh khắc Giao thừa khoảng 20 phút. Trên gương mặt mọi người, ai cũng rạng ngời niềm vui. Trong thời điểm chuyển mình thiêng liêng của đất trời, được nhìn thiên thần bé nhỏ, xinh xắn, phụ sản khỏe mạnh khiến cả kíp trực lan toả niềm vui”. Trong niềm vui hân hoan của gia đình sản phụ và của mọi người dân, ít ai biết được rằng, phía sau niềm vui đó là biết bao những lo toan, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ cùng các kíp trực. Chị Trần Thị Thuỳ Phượng, nhân viên hành chính, Bệnh viện Phụ sản cho biết: “Ngày 30 Tết bao giờ cũng vất vả nhất, có khi từ sáng sớm đến tận 12h đêm. Bận rộn, vất vả nhưng càng vào thời điểm này thì công tác y tế, chăm sóc các mẹ và bé càng phải cẩn thận hơn. Với phương châm “cố gắng hết lòng với người bệnh”, các y, bác sĩ chỉ mong sao các mẹ và bé bình an, đó là động lực lớn nhất với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện”. 

Ở Bệnh viện Phụ sản Nam Định có một khoa mà ở đó bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc rất đặc biệt, đó là Khoa Sơ sinh, chăm sóc những em bé sau sinh, nhất là những bé sinh non, thiếu tháng... Bác sĩ Đặng Trọng Toàn, Trưởng Khoa Sơ sinh cho biết: “Vào những ngày Tết, số trẻ ở khoa không hề giảm đi, thậm chí còn có thể tăng lên. Có nhiều trường hợp mẹ bầu do làm việc vất vả, căng thẳng ngày Tết mà sinh sớm. Những em bé này đều cần sự chăm sóc đặc biệt nên các bác sĩ, điều dưỡng luôn phải túc trực 24/24 giờ, bất kể thời điểm nào”. Chị Trần Thị Hoài làm điều dưỡng ở phòng hồi sức, Khoa Sơ sinh đã hơn 10 năm. Gần như năm nào chị cũng ăn Tết cùng các bé. Theo chị Hoài, các nhân viên y tế phải luôn giữ tinh thần tỉnh táo, bảo đảm không xảy ra sai sót ở bất cứ công đoạn nào, từ việc theo dõi nhịp tim, nhịp thở đến việc ăn uống và tiêu hóa của các bé. Có những trường hợp, bé sơ sinh trở nặng, các bác sĩ, nhân viên y tế phải tìm mọi cách, nỗ lực hết mình để cứu sống bé. Những trẻ có tiến triển tốt sẽ được chuyển sang phòng sau hồi sức. Các điều dưỡng viên luôn tay, luôn chân cho bé ăn, thay bỉm cho bé đúng giờ. Một ngày các bé sẽ được ăn từ 15-16 bữa. Sữa mẹ sau khi vắt ra bình sẽ được những điều dưỡng nhận và khử trùng, bảo quản cẩn thận, đảm bảo nguồn sữa cho các bé không bị nhiễm khuẩn. Còn đối với những mẹ chưa có sữa, sẽ được các điều dưỡng pha sữa theo công thức cho bé uống. Trực Tết, đón Giao thừa ở bệnh viện cũng là một phần thiệt thòi, nhưng không vì thế các y, bác sĩ cũng như bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản thấy buồn, bởi ở đây, bác sĩ và bệnh nhân không hề có khoảng cách. Mọi người xem nhau như người thân trong gia đình. Những sản phụ đã phục hồi sức khỏe sau sinh được cán bộ, lãnh đạo cũng như nhân viên y tế của bệnh viện đến tận giường chúc mừng. Tất cả quây quần trò chuyện, cùng nhau đón Giao thừa, gửi tới nhau những lời chúc mừng năm mới, cùng đếm ngược thời gian chào đón khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời...

Công việc dù vất vả nhưng những cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc từ những thiên thần nhỏ. Những tất bật trong công việc nhất là những ngày Tết dường như ý nghĩa hơn rất nhiều./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com