Nhiều hoạt động thiết thực “Đền ơn, đáp nghĩa”

08:23, 04/01/2023

Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).

Giao Thủy là địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”. Với tinh thần “Ăn quả nhớ người trồng cây”, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách và NCC bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Toàn huyện hiện có 2.685 liệt sĩ; 2.820 thương, bệnh binh; 2.065 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 239 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 6.000 người được hưởng chế độ, chính sách NCC với cách mạng. Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tặng “nhà tình nghĩa”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, xây dựng “Xã, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc NCC”... Hàng năm, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” của huyện huy động được từ 60-100 triệu đồng; huyện đã xây dựng 204 căn “nhà tình nghĩa”, sửa chữa 52 nhà tặng các gia đình chính sách NCC với cách mạng với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng; các đồng chí thương binh nặng bị suy giảm khả năng lao động được chăm lo, giúp đỡ chu đáo; các Mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng suốt đời; bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi được các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, chăm sóc; các Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) và các công trình ghi công khác ở huyện cũng như các xã, thị trấn được xây dựng, tu bổ thường xuyên. 

Trong các cuộc kháng chiến giữ nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, huyện Hải Hậu có 50 nghìn con em quê hương đã hăng hái lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc; hơn 4.600 người đã anh dũng hy sinh, trên 2.000 người đã để lại chiến trường một phần xương máu, 399 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 19 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn cán bộ và nhân dân được tặng thưởng Huân, Huy chương. Đồng chí Lưu Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hậu cho biết: Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, thời gian qua, huyện đã rà soát, lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 1.230 người là thân nhân th­ương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động 61% trở lên; 2.546 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT theo Quyết định số 150/2006/QĐ-TTg; 5.433 đối t­ượng hưởng thẻ BHYT theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tư­ớng Chính phủ; 3.499 hồ sơ ng­ười thờ cúng liệt sĩ hư­­ởng trợ cấp một lần. Công tác xây dựng, tu bổ NTLS th­ường xuyên đ­ược cấp uỷ, chính quyền các địa phư­ơng quan tâm. Toàn huyện có 33 NTLS cấp xã và 1 Đền thờ Liệt sĩ cấp huyện. Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tập đoàn Dầu khí và nguồn quỹ của các địa phương đã xây mới 50 “nhà tình nghĩa” tặng NCC, thân nhân NCC với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Mỗi năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện huy động được trên 100 triệu đồng, cấp xã từ 15 đến 40 triệu đồng/xã. Hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xây mới 211 nhà, sửa chữa 486 nhà, tổng cộng là 697 nhà với tổng kinh phí 18,16 tỷ đồng. Cùng với việc giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi NCC cho đối tượng còn tồn đọng, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, với mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống cho gia đình chính sách NCC và đảm bảo 100% gia đình chính sách NCC của tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Hàng năm các xã, thị trấn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện và các bệnh viện tuyến Trung ương quan tâm chăm sóc sức khoẻ, thăm khám, chữa bệnh kịp thời, chu đáo đối với NCC và thân nhân.

Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nam Định có hàng triệu người tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước; hàng vạn người, gia đình đã hy sinh xương máu, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 36 nghìn liệt sĩ; trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; trên 2.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 43 mẹ còn sống); gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 nghìn người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, Bằng khen các loại.

Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) cho biết: “Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc NCC”. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 45 nghìn người thuộc diện NCC và thân nhân của NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp với tổng số kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng là trên 83 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ chính sách đối với 42 nghìn lượt NCC; tổ chức thăm hỏi, động viên, cấp phát quà tặng cho gần 59 nghìn NCC, thân nhân liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 với tổng số tiền là trên 135 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 191 nhà ở của NCC với cách mạng được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; với tổng số tiền là trên 8,4 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hỗ trợ xây dựng 30 nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng/nhà) và hỗ trợ sửa chữa 80 nhà ở hư hỏng, xuống cấp (trị giá 40 triệu đồng/nhà), tổng số tiền từ Quỹ cấp tỉnh trích hỗ trợ là 5,6 tỷ đồng. Đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2022 ở cả 3 cấp đã thu được trên 9 tỷ đồng (cấp tỉnh là 580 triệu đồng; cấp huyện là 2,125 tỷ đồng và cấp xã là 6,308 tỷ đồng). Thực hiện xây dựng, tu sửa mộ, NTLS và các công trình ghi công liệt sĩ năm 2022 đối với 66 công trình, tổng kinh phí là 36,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 32 công trình với kinh phí là 12,5 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện tặng sổ tiết kiệm đối với 146 hộ gia đình NCC với tổng trị giá là 277 triệu đồng. Thăm hỏi, tặng quà các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng NCC ở các tỉnh ngoài (Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu). Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup), Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) tặng quà các thương, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, NCC với cách mạng tại các địa phương trong tỉnh, với tổng số tiền quà tặng trên 9 tỷ 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, cùng với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp và trích ngân sách địa phương thực hiện tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ với giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm và bia ghi tên các liệt sĩ của tỉnh tại NTLS Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), với tổng mức đầu tư gần 7,8 tỷ đồng. Đầu tư tôn tạo phần mộ liệt sĩ Lưu Chí Hiếu và lắp đặt đài hóa vàng tại phần mộ liệt sĩ Vũ Văn Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí đầu tư trên 300 triệu đồng. Đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Nam Định tại NTLS Quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị, với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng.

Năm 2023, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ chính sách đối với NCC, thân nhân NCC và các diện đối tượng có liên quan đến lĩnh vực NCC theo quy định của Nhà nước. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách để các cấp, các ngành, các đối tượng NCC, thân nhân NCC nắm bắt, triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhất là các chế độ chính sách mới theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC số 02/2020/PL-UBTVQH14 ngày 9-12-2020, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ. Tổ chức điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng, nhằm tạo điều kiện để NCC được chăm sóc sức khỏe, bồi bổ nâng cao thể trạng, được thăm, khám chữa bệnh, cấp thuốc, tặng quà, được tham quan, du lịch. Tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe đối với NCC với cách mạng, chú trọng thực hiện việc điều dưỡng NCC tại các cơ sở điều dưỡng; tập trung giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC và thân nhân NCC với cách mạng theo quy định. 

Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hoàng Đức Trọng cho biết: Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã chuẩn bị quà tặng cho gần 59 nghìn gia đình chính sách NCC, thân nhân liệt sĩ với số tiền hơn 29 tỷ đồng (trị giá 500 nghìn đồng/suất quà)./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com