Góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân 

08:34, 03/01/2023

Thời gian qua, việc tiếp nhận giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, từng bước cải tiến cả phương pháp và cách làm để bảo đảm kết quả thiết thực, kịp thời giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm. Từ kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh khóa XIX đến nay, cử tri cũng tiếp tục quan tâm đề xuất, kiến nghị nhiều lĩnh vực và mong muốn UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chỉ đạo, giải quyết.

Nông dân xã Tân Thành (Vụ Bản) chuẩn bị hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nông dân xã Tân Thành (Vụ Bản) chuẩn bị hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh gửi đến, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, đã tập trung giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Trong tổng số 69 nội dung cử tri kiến nghị trên các lĩnh vực đã được UBND tỉnh nghiêm túc xem xét, trả lời, đôn đốc giải quyết. Theo đó, 100% kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời, với các nội dung cụ thể, rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; bảo đảm kết quả thiết thực, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Các đơn vị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, giải quyết bảo đảm hợp tình, hợp lý, tháo gỡ được các vướng mắc và bức xúc trong thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân trong tỉnh. Đến nay đã có 28/69 (chiếm 40,6%) kiến nghị được giải quyết dứt điểm, trả lời thỏa đáng. 

Có thể kể đến kiến nghị của cử tri huyện Nam Trực về việc tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có giải pháp hiệu quả trong việc quản lý giá và chất lượng các loại vật tư nông nghiệp. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 11-7-2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 trong việc áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi... trên đất trồng lúa. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 23-6-2020 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng năm đã hỗ trợ cho các hộ nông dân đầu tư máy cơ giới ở khâu gieo cấy, thu hoạch lúa, sơ chế nông sản, máy sấy lúa và một số máy móc, thiết bị... với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo, bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đối với việc quản lý giá và chất lượng các loại vật tư nông nghiệp UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm trước khi vào vụ sản xuất phải chủ động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng và phân bón đối với các cơ sở kinh doanh phân bón và giống cây trồng; đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và phân bón đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021 và 2022, đã tiến hành 5 cuộc thanh, kiểm tra đối với 72 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và phân bón trên địa bàn tỉnh; xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 tổ chức, với số tiền 30 triệu đồng. Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy các tổ chức, cá nhân đều cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật; các chủng loại giống cây trồng, phân bón nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; trên địa bàn không có hiện tượng kinh doanh phân bón giả và giống cây trồng kém chất lượng. Mặt khác để quản lý giá và chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh vật tư nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của cử tri các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực kiến nghị về vấn đề điều chỉnh nâng mức kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của HĐND, MTTQ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị từ xã đến cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố có địa bàn rộng, quy mô dân số lớn. Tiếp thu ý kiến trên, UBND tỉnh đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chủ động bố trí kinh phí chi cho HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ xã đến cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố trong định mức chi thường xuyên ngân sách tỉnh đã giao đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND ngày 2-12-2021 của HĐND tỉnh ban hành định mức, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2022; trong đó đã quy định định mức phân bổ dự toán ngân sách chi quản lý hành chính của các xã, phường, thị trấn bình quân tăng từ 1.850 triệu đồng/xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2021 lên 2.300 triệu đồng/xã, phường, thị trấn giai đoạn 2022-2025 (tăng khoảng 24%). Đối với 29 nội dung kiến nghị đang được triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã báo cáo cụ thể với cử tri về những việc đang làm, kết quả đạt được; đồng thời có kế hoạch, hướng giải quyết cụ thể, khả thi để triển khai trong thời gian tới. Đối với những nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh hoặc cần có sự phối hợp với các cơ quan Trung ương như: kiên cố hóa kênh Đồng Nê 2, Đồng Nê 4 trước khu vực trung tâm xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) và Tòa Giám mục Bùi Chu; đầu tư kinh phí kè một số đoạn của 2 bờ kênh Nam Điền A-B trên địa bàn xã Xuân Vinh và kênh Tàu 1 trên địa bàn xã Xuân Hòa (Xuân Trường), hỗ trợ kè tuyến sông từ Cồn 5 ra cống Cai Đề, thuộc địa bàn xã Giao Hải (Giao Thủy), nạo vét sông S47, xã Yên Đồng (Ý Yên). Mở rộng khúc cua, tăng cường thêm gờ giảm tốc, lắp đặt thêm biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, phản quang trên tuyến Quốc lộ 21B đi qua địa phận xã Hải Ninh (Hải Hậu); lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông tại ngã tư Mậu Lực, xã Yên Cường (Ý Yên). Bố trí kinh phí chi tiền thưởng cho các gia đình và cá nhân có thành tích trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen theo Quyết định số 98/2006/QĐ-TTg ngày 5-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét phân thôn thành 3 loại và chi phụ cấp cho cán bộ thôn theo 3 loại, do sau sáp nhập vẫn còn nhiều thôn quá nhỏ, số hộ trong thôn chỉ từ 160 đến 200 hộ và xem xét điều chỉnh các chế độ phụ cấp thôn loại 1 và loại 2 để tránh chênh lệch nhau lớn. Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có lễ hội Phủ Dầy; thành lập các trung tâm dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người dân có nhu cầu sang tên, chuyển nhượng, tặng, cho do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có rất nhiều thủ tục hành chính, ít người dân có thể tự làm được, phần lớn phải qua bộ phận trung gian, chi phí lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để xem xét, phối hợp giải quyết và đã trả lời, giải thích cụ thể, rõ ràng để cử tri hiểu và đồng thuận.

Với việc quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com