Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cần các quyết sách thiết thực để bảo đảm an sinh xã hội

19:58, 31/05/2023

Tiếp tục Chương trình làm việc, ngày 31-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. 

Toàn cảnh phiên họp ngày 31-5.
Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp ngày 31-5.

Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu ra thực trạng nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thậm chí phải rút khỏi thị trường lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động; cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu tỉnh Tuyên Quang đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, các báo cáo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và khó lường, nhưng Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Năm 2022, nước ta đã thực hiện khá toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,32%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thị trường tín dụng, tiền tệ đảm bảo, lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung triển khai nhiều công trình phúc lợi cho người dân; nhiều dự án tồn đọng kéo dài đã được xử lý và đạt được kết quả bước đầu. Đại biểu bày tỏ đồng tình với những khó khăn và yếu tố bất lợi đã xuất hiện trong những tháng đầu năm 2023, tác động đến mục tiêu tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp. Trong đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động tăng 25,1% so với năm trước, tương ứng với hơn 77 nghìn doanh nghiệp. Theo đại biểu, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội... 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhất trí với Báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội trong nước thời gian qua và các giải pháp Chính phủ đề ra trong thời gian tới, đồng thời đánh giá cao giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ... 

Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các Hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Đại biểu kiến nghị, năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay.

Đề cập đến vấn đề bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam ảnh hưởng nặng nề, tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. 

Thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống. 

Bên cạnh đó, Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố an toàn và bền vững hệ thống an sinh xã hội quốc gia./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com