Hiệu quả chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng cho phát triển

07:48, 31/05/2023

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng cơ bản như điện, xăng, dầu, than phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là trong các dịp lễ, tết... được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn.

Diễu hành tuyên truyền tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ trái đất năm 2023.
Diễu hành tuyên truyền tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ trái đất năm 2023.

Trong giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 20-9-2017 về việc tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ các năm thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 25-8-2020 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn nhiều tập thể, cá nhân ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng vào thực tế sinh hoạt và sản xuất. Trong giai đoạn (2016-2021), tổn thất điện năng trên lưới điện giảm 0,57%, giảm trung bình 0,11%/năm. 

Cùng với sử dụng tiết kiệm năng lượng, việc chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ngày càng tích cực. Giai đoạn 2016-2021, nhiều tập thể, cá nhân đã ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời sản xuất điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tổng công suất điện mặt trời đấu nối trên lưới điện toàn tỉnh đạt 15,48MW. Trong đó, Công ty Cổ phần May Sông Hồng chi nhánh Nghĩa Hưng đã đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 770,4kWp, cung cấp điện trực tiếp cho nhà máy, không những góp phần giảm chi phí điện năng mà còn giúp Công ty gia tăng lợi thế khi đưa sản phẩm của mình xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu khắt khe như châu Âu và Bắc Mỹ nhờ sử dụng năng lượng sạch để sản xuất, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường. Nhóm các doanh nghiệp sử dụng năng lượng để sấy, hấp sản phẩm đã chuyển dần từ sử dụng than đá sang sản phẩm than công nghệ có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh những ưu điểm thì việc sử dụng năng lượng bền vững vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: Tỉnh chưa xây dựng được kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; một số công trình điện trong quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt còn triển khai chậm tiến độ; chưa có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chưa bố trí được nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng. 

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh đã xây dựng các chỉ tiêu, định hướng cụ thể cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả gồm: Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 5% vào năm 2025; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; khuyến khích các cơ quan, công sở đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; tiết kiệm 20% điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng công; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm; các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực hàng năm; lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực hàng năm. Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho 4 nhà đầu tư thực hiện khảo sát, đánh giá tiềm năng điện gió trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; hiện tại nhà đầu tư đã thực hiện khảo sát, đánh giá trên địa bàn huyện Giao Thủy. Việc thúc đẩy phát triển thêm nguồn năng lượng mới sẽ giúp tỉnh tạo nên thế chân kiềng trong sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, song song với bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, tỉnh tập trung làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng; chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về năng lượng cũng như chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, các quy định của Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com