Nhất chi mai - một màu trắng đến tinh khôi

08:53, 18/01/2023

Chiều cuối năm, vô cùng mãn nguyện khi nhận được món quà Tết là một cây mai trắng - một loài hoa mà tôi rất trân trọng, nâng niu. Mai trắng - còn có tên gọi khác là Nhất chi mai đây là một loài hoa quý, ngày xưa thường mọc ở những nơi hẻo lánh, những vùng núi đá có mùa đông và lạnh giá. Mai trắng vượt qua cái lạnh khắc nghiệt để bung nở rực rỡ trong mùa xuân tượng trưng cho sự tinh khôi, thuần khiết và sức sống mãnh liệt. Chính vì sức sống diệu kỳ, màu hoa trắng tinh khôi, mùi hương thoang thoảng và thân hình mảnh mai của cây mà các bậc tiền nhân đã xếp nó thuộc loài tứ quý đại diện cho chí khí của người quân tử tiết tháo, ngoan cường, liêm minh, chính trực và còn mang theo khát vọng tấn tài, tấn lộc mỗi khi Tết đến, Xuân về. Hoa như sứ giả báo hiệu mùa đông sắp tàn và mùa Xuân đang đến…

 

Nhất chi mai đã trở thành một biểu tượng đẹp trong thơ ca Việt Nam từ thuở xa xưa, nó nhen lên trong lòng người niềm tin và khát vọng. Thiền sư Mã Giác - Nguyễn Trường (1052-1096) khi nhìn cành mai nở, tàn trong bài Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) theo cách cảm của Thiền tông đã thể hiện một tuyên ngôn triết học độc đáo về nhận thức của con người trước nhịp bước thời gian và phải biết vui thú du xuân bốn mùa mới có được. Câu kết của bài kệ “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”(Đêm qua sân trước một cành mai) một cành mai trước sân cũng khiến cho người đọc liên tưởng đến tâm thế của kẻ đứng giữa trời đất mà khẳng định cái tôi cá nhân của mình… 

Nhất chi mai tượng trưng cho chí khí người quân tử, bởi loài cây này vượt lên những thử thách khắc nghiệt của thời tiết để khoe sắc, khoe hương làm đẹp cho đời. Sắc trắng thuần khiết tượng trưng cho cái “sĩ”, cái cao ngạo của các bậc hiền nhân.

Chính từ đặc điểm này mà Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần khi đi sứ Trung Hoa (1308) đã từng lấy đó làm cớ để biện minh cho sự nhầm lẫn của mình khi ông nhìn bức tranh trong phủ Tể tướng nhà Nguyên vẽ con chim sẻ vàng đậu trên cành mai rất sống động mà tưởng đó là thật nên vồ bắt. Khi biết mình bị hố, Mạc Đĩnh Chi điềm nhiên kéo bức tranh xuống xé nát. Rồi điềm nhiên nói rằng: “Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, như vậy bức tranh này là kẻ tiểu nhân lấn lướt người quân tử, nay tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi”. Nghe biện luận hợp lý, Tể tướng nhà Nguyên dù tiếc bức tranh nhưng cũng đành vui vẻ chấp nhận.

Đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (1380-1442) không đơn thuần xem Nhất chi mai chỉ như một loài hoa bình thường, mà ông cảm nhận hoa tượng trưng cho những cốt cách cao đẹp, sang trọng, càng già càng tỏa sáng, càng đẹp đẽ, càng đáng trân trọng: “Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi/Ưa mày vì tiết sạch hơn người” (Mai - bài 1) và “Càng thuở già càng cốt cách/Một phen giá, một tinh thần” (Vịnh cây mai già). Nguyễn Trãi viết về hoa mai không đơn thuần chỉ là để ca ngợi vẻ đẹp độc tôn của loài hoa quý này, mà còn muốn gửi gắm những suy nghĩ, những trăn trở khôn nguôi của một kẻ có tâm nhưng bất lực trước thời cuộc. Bên cạnh đó, thi nhân còn khẳng định tấm lòng trung trinh của ông dành cho đất nước, lòng thương yêu nhân dân vẫn cứ mãi như dòng máu nóng luôn luôn chảy mãi trong ông cho đến hơi thở cuối cùng: “Bui một tấc lòng trung mấy hiếu/Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen” (Thuật hứng).

Về sau, Chu Thần Cao Bá Quát (1807-1855) khát khao trồng lên núi một rừng mai - một loài hoa thanh cao, để rồi sau này mai trở thành một bức tranh tuyệt tác cho người đời chiêm ngưỡng: “Thí tương mai tử trịch sơn gian/Nhất ác thanh tư ký bích loan/Ký thử lai thì xuân sắc hảo/Dữ nhân cộng tác hoạ đồ khan” (Hạt mai gieo thử trên non/Giống thanh tao gửi lên hòn đá xanh/Nhớ xuân sau tốt tươi cành/Hoa mai thành một bức tranh cho đời - Tố Hữu dịch). Lâu nay, ai cũng nhớ câu thơ rất thần của ông về hoa mai: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm chu du tìm gươm báu/Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai). Hai câu thơ thể hiện khí phách của Chu Thần - một người chỉ biết phục lạy cái đẹp, coi khinh cường quyền. Ông say đắm hoa mai, bởi hoa mai tượng trưng cho cốt cách của người quân tử, là cái đẹp ngàn đời của đất trời nước Việt…

Đến tháng 6 năm 1942, khi leo lên đỉnh núi ở Lũng Dẻ (xóm Bản Chang, xã Trương Lương, Cao Bằng) lãnh tụ Hồ Chí Minh từng viết bài thơ Thướng sơn (Lên núi) nổi tiếng: “Lục nguyệt nhị thập tứ/Thượng đáo thử sơn lai/Cử đầu hồng nhật cận/Đối ngạn nhất chi mai” (Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/Bên suối một nhành mai). Trên đầu - hình ảnh vừng dương rực rỡ chiếu sáng rọi soi con đường cách mạng cho Tổ quốc, dân tộc; trước mặt - hình ảnh nhành hoa mai tượng trưng cho ý chí bất khuất kiên cường và niềm tin hy vọng vào tương lai tươi sáng. 

Nhất chi mai không chỉ để chiêm ngưỡng mà trong đông y thuở xưa nó còn song hành với đời bằng những chén trà làm từ gốc mai già, từ những đoá hoa đã sao khô có tác dụng lắng dịu những cảm xúc, thậm chí nó còn giúp con người chống lại bệnh tật. Hoa mai, nhỏ bé lặng lẽ khiêm nhường nhưng kiên cường trước khó khăn, gian khổ; trước những biến thiên của cuộc đời. Nhất chi mai góp phần tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc, nó giúp cho ta thanh thản hơn trước những bề bộn của cuộc đời…

Ngắm những nụ hoa màu đỏ, những bông hoa màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và những nhuỵ hoa nhỏ xinh xinh càng thấy tạo hoá thật diệu kỳ. Bởi trên mặt đất này có bao loài cây, loài hoa; bên cạnh những loài hoa gây cho người ta sự sợ hãi, kinh dị thì còn có biết bao loài hoa làm đẹp cho đời, hướng cho con người trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn để vững tin đi đến tương lai./.

Nguyễn Duy Dương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com