Món quà sinh nhật của mẹ

08:43, 06/01/2023

“Những ngày cuối năm, cái lạnh dường như là chất xúc tác cho những sự hồi sinh của vạn vật khi mùa xuân về, để khi đã đi qua bao trắc ẩn của cuộc đời, một ngày kia ta khựng lại trước hoàng hôn mà lặng lẽ suy tư”. Đó là những lời cuối cùng của bác tôi gửi tặng tôi cùng với cuốn sách mà bác biết tôi sẽ rất yêu thích. Trong cái lạnh của mùa đông miền Bắc tôi nhớ bác, nhớ những câu chuyện, những kỷ niệm cũng là những nỗi đau mà bác luôn đau đáu mang theo suốt cuộc đời.

 

Bác kể, nhà bác ở phố Hàng Thao, nơi ngày nay người ta dựng bia tưởng niệm với hàng chữ “Nơi đây tưởng niệm những nạn nhân bị máy bay Mỹ ném bom hồi 6 giờ 30 phút sáng ngày 14-4-1966”. Mẹ bác là một mậu dịch viên làm việc tại cửa hàng ăn số 1 (cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh đầu tiên của thành phố Nam Định). Là một người con Nam Định chính gốc lại khéo léo nên mẹ bác được giao nhiệm vụ phụ trách quầy bán phở để phục vụ cho nhu cầu của quân và dân thành phố trong những năm tháng vừa kháng chiến vừa xây dựng miền Bắc. 

Bác tôi khi nói về mẹ luôn là một khoảng trời ăm ắp gói ghém thật nhiều thương nhớ. Giai đoạn cả đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thì có lẽ mùi hương quyến rũ nhất đối với một đứa trẻ không phải mùi nước hoa thơm nức như bây giờ, cũng chắng phải mùi của mĩ phẩm đắt tiền mà là mùi của mẹ, mùi của người nữ chiến sĩ phục vụ trên mặt trận hậu cần thầm lặng. Bác nói: “Mùi nước dùng của phở như ướp trên làn da ngăm lam lũ của mẹ, và đó dường như là chất xúc tác cho giấc ngủ ấu thơ ùa về êm đềm, mặc ngoài kia là bình yên hay mưa gió. Mùi hương ấy quyện vào mái đầu khét nắng, lẫn trên áo quần lem lấm nhựa cây, đong đưa theo cánh võng kĩu kịt yên lành. Áp mặt vào lòng mẹ, mùi hương ấy như vẫn còn sự ấm nóng len vào cánh mũi, bác hít hà dư vị của cuộc sống còn vương lại trên tấm áo của mẹ một nắng hai sương, hòa lẫn cùng thứ mùi quê dân dã, thân thuộc”.

Do nhà gần của hàng mậu dịch quốc doanh số 1 nên bác tôi thỉnh thoảng vẫn tới nơi mẹ làm việc để chơi, phần vì nhớ mẹ nhưng phần lớn là sẽ được mẹ chiêu đãi bát phở “không người lái”, đó là loại phở chỉ có bánh và nước dùng, không có thịt bò hay gà. So với bây giờ thì thời ấy bánh phở không được mỏng, dai; nước dùng cũng không thật trong, không thật ngọt và thơm đúng chuẩn. Nhưng trong thời khốn khó ấy chỉ cần ngửi thấy mùi phở đã thấy tỉnh người, huống chi được ăn dù không có thịt thì cũng đã là bữa đại tiệc. Cũng có những hôm sau giờ tan ca mẹ bác có mang một ít nước dùng đựng trong cặp lồng về nhà, những ngày như thế cả nhà như mở tiệc liên hoan, không khí rộn ràng và ấm áp.

Có những hôm bác ngồi bên tôi lâu thật lâu, đặc biệt là những ngày cuối năm trong cái không gian lạnh lạnh, bàng bạc của mùa đông khiến bao miền nhớ thẳm sâu thoảng về, và dù đã đi qua bao tháng bao năm, bác tôi vẫn đau đáu tìm lại. Đó là buổi sáng sớm ngày 14-4-1966, máy bay Mĩ đã ném bom ở phố Hàng Thao khiến 77 người bị chết. Và hình ảnh cuối cùng mà bác nhìn thấy là mẹ nằm dưới lớp đất đá trên tay vẫn cầm chặt cái cặp lồng. Trong không gian ầng ậc của nước mắt bác đã nói với tôi: 15 tuổi bác đã hiểu sự tàn khốc của chiến tranh và sinh nhật của một em bé 15 tuổi ấy cũng là sinh nhật luôn ăm ắp trong khoảng trời hồi tưởng của bác. Một khoảng trời với bát phở “không người lái” cuối cùng mẹ làm cho bác vào chiều hôm trước và lời dặn dò: “Bát phở này mẹ chúc mừng sinh nhật trước. Tối nay con về nhà ông bà ngoại ngủ, ngày mai mẹ sẽ mang nước dùng phở về để nhà mình liên hoan chúc mừng sinh nhật nhé”.

Do vậy, dù có đi muôn phương, thưởng thức nhiều phong cách nấu phở khác nhau nhưng đối với bác tôi bát phở ngon nhất là bát phở “không người lái” của cửa hàng mậu dịch quốc doanh số 1 của thành phố Nam Định. Cho đến tận những ngày tháng cuối cùng, khi nằm trên giường bệnh mặc dù không thể ăn được phở bác vẫn nói với chúng tôi: cả cuộc đời này có những mùi hương cứ thoang thoảng theo ta suốt cuộc đời, mùi hương luôn ở đâu đó gần mình, dù không rõ rệt, không biết chúng tỏa ra từ đâu, nhưng vẫn cứ thổn thức lòng người. Và có những hương vị ta cứ mải miết đi tìm cả cuộc đời như để thấy mình đã từng có một thời sống vô tư, hồn nhiên như thế, để bùi ngùi nhớ về những yêu thương đã qua. Và mùi nước dùng của phở cùng với hương vị bát phở “không người lái” đó bắt nguồn từ ký ức, từ miền nhớ thẳm sâu của bác, và cứ thế thổn thức, khắc khoải suốt cuộc đời./.

Trần Thị Huyền Nga 
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com