Các triệu chứng của viêm xoang có thể làm giảm chức năng thể chất, gây đau đầu, giảm khả năng ghi nhớ và học tập, giảm năng suất lao động, rối loạn hô hấp khi ngủ...
Theo Y học cổ truyền, viêm xoang mạn được mô tả trong chứng tỵ uyên, biểu hiện chính là mũi chảy dịch đục, nghẹt mũi, đau đầu lâu ngày không hết.
Nguyên nhân thường do ngoại tà tác động không được điều trị sớm. Tắc trở tại kinh lạc và xoang khiếu, kèm thêm ăn uống thất thường, lao lực quá mức, thể chất hư suy lâu ngày, làm dương khí hư suy, các tạng phế, thận, tỳ suy giảm gậy ra nhiều chứng bệnh cấp mạn phối hợp.
Việc điều trị là đuổi ngoại tà, lưu thông xoang khiếu và củng cố bồi bổ các tạng.
Day huyệt ấn đường giúp làm thông mũi, giảm nghẹt mũi... |
1. Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm xoang
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị viêm xoang theo nguyên lý Y học cổ truyền, là dùng bàn tay để tác động lên vùng da, cơ, huyệt của người bệnh, để đạt mục đích lưu thông khí huyết, giảm đau đầu, nghẹt mũi, chảy mũi, điều hòa chức năng tạng phủ trong cơ thể.
Xoa bóp bấm huyệt thường được điều trị phối hợp với dùng thuốc để đạt mục đích điều trị và giảm tác dụng phụ, rút ngắn thời gian bệnh... Người bệnh cũng có thể được hướng dẫn tự xoa bóp tại nhà để giúp củng cố chức năng, phòng ngừa tái phát.
Các huyệt thường dùng trong viêm xoang: Nghinh hương, ấn đường, thượng tinh, tỵ thông, thái bạch, ngư yêu, quyền liêu, hạ quan, thái dương, bách hội, phong trì, phong môn, phế du, hợp cốc.
2. Cách xoa bóp thường dùng điều trị viêm xoang
Thời gian xoa bóp nên từ 10-20 phút/ ngày, mỗi liệu trình 10-15 ngày. Tuy nhiên khi có triệu chứng đờm mũi không giảm, đau đầu nhiều, chóng mặt và sốt thì nên đến trực tiếp cơ sở y tế để khám và điều trị thích hợp.
Xoa bóp có thể tự thực hiện tại nhà theo trình tự sau đây:
- Xát sống mũi hai bên cho nóng lên
+ Xoa bóp thân mũi: Xoa nhẹ thân mũi từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, day ấn sụn xương mũi và cánh mũi trong khoảng 2-3 phút đồng thời hít thở đều; có tác dụng làm nóng, lưu thông mũi, giúp trị chảy nước mũi, nghẹt mũi.
+ Xoa xoang: Dùng 2 đầu ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay, đặt vào vị trí phía trong lông mày và xoa vòng từ trong lông mày ra ngoài gò má, đến mũi rồi đi lên phía trong lông mày, lặp lại 10 – 20 lần rồi xoa vòng ngược lại từ 10 – 20 lần.
+ Xoa mắt: Người bệnh nhắm mắt, đặt 2 đầu ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay lên 2 mắt, thực hiện vuốt mí mắt nhẹ nhàng từ trong ra ngoài, từ 10 – 20 lần.
Ấn nhẹ xung quanh nhãn cầu bằng cách dùng ngón tay trỏ ấn phía trong và phía trên hố mắt, dùng ngón trỏ bấm huyệt phía ngoài và phía dưới hố mắt, giúp khí huyết lưu thông trong hố mắt.
+ Vuốt và bẻ mũi: Dùng tay vuốt đều lên lỗ mũi và bẻ đầu mũi qua lại khoảng 10 – 20 lần.
- Day ấn huyệt trị viêm xoang
+ Day ấn huyệt ấn đường: Dùng ngón tay cái ấn huyệt này trong 1 phút, lực vừa phải đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt là điểm chính giữa đường nối đầu trong hai cung lông mày. Huyệt có tác dụng làm thông mũi, mắt, để điều trị viêm mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, chảy máu cam…
+ Day ấn huyệt toán trúc: Dùng hai ngón tay trỏ ấn huyệt này 1 phút. Vị trí huyệt là đầu trong của 2 cung lông mày; là điểm đau xoang, có tác dụng trị tắc mũi, nghẹt mũi và mất khứu giác, đau đầu mặt, đau vùng hốc mắt.
+ Day ấn huyệt nghinh hương: Dùng hai ngón tay trỏ day ấn huyệt trong 1 phút. Huyệt Nghinh hương là giao điểm của đường ngang đi qua hai chân cánh mũi và rãnh mũi má, chuyên trị các vấn đề về mũi, mất khứu giác.
+ Day ấn huyệt tỵ thông: Dùng hai ngón tay trỏ ấn huyệt này 1 phút. Huyệt nằm ở đầu trên của rãnh mũi má, có tác dụng trị tắc mũi, nghẹt mũi và mất khứu giác.
+ Day ấn huyệt phong trì: Hai ngón tay cái day cả hai huyệt trong 1 phút, huyệt này ở ngay dưới xương chẩm, chỗ hõm hai bên khối cơ thang. Tác dụng là trị cảm, đau đầu, đau cổ gáy.
+ Day huyệt hợp cốc: Dùng ngón tay cái bên đối diện, day bấm lần lượt hai huyệt này. Vị trí huyệt là chỗ lõm giữa xương bàn ngón ngón tay cái và ngón tay trỏ. Huyệt đặc hiệu trị bệnh vùng mặt, giúp điều trị bệnh vùng đầu, mắt, mũi, tai, răng miệng.
Xoa bóp bấm huyệt hàng ngày, có thể sáng ngủ dậy hoặc tối trước khi ngủ, khi bệnh cấp nên thực hiện 2 lần/ngày, làm kiên trì và đều đặn giúp có được hiệu quả điều trị và phòng ngừa tái phát viêm xoang./.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin