8 dấu hiệu bạn đang nghiện caffeine và khi nào nên đến gặp bác sĩ?

08:44, 03/03/2023

Cà phê là một đồ uống quen thuộc và khá hấp dẫn với rất nhiều người. Giống như thuốc lá và rượu, cà phê là một chất kích thích có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn và nó có thể gây nghiện.

Caffeine là một trong những món quà tuyệt vời của thiên nhiên mà hàng tỷ người thưởng thức mỗi ngày. Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, caffeine là một thành phần có trong nhiều loại đồ uống và thực phẩm, đặc biệt là cà phê và trà. Ngoài cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực, một số loại thực phẩm, thuốc... cũng chứa caffeine.

Chứng nghiện caffeine là một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của loại hợp chất này. Nghiện caffeine sẽ không gây cảm giác thèm ăn mãnh liệt hoặc tâm lý phụ thuộc, nhưng những người nghiện cà phê đột ngột bỏ giữa chừng có thể nhận thấy các triệu chứng cai nghiện,  như khó chịu, mệt mỏi và đau đầu, mờ thị lực, run cơ và mất ngủ.

Uống nhiều cà phê gây hại cho sức khỏe.
Uống nhiều cà phê gây hại cho sức khỏe.

1. Các dấu hiệu cho thấy bạn đã nghiện caffeine

Đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị nghiện caffeine và đang sử dụng quá liều:

Lo lắng

Không uống cà phê buổi sáng có thể khiến một số người cảm giác bồn chồn, lo lắng và thậm chí cả tâm trạng bất an trong ngày. Điều này là do caffeine giải phóng adrenaline, một loại hormone "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn.

Mất ngủ

Caffeine giúp bạn tỉnh táo bằng cách kết nối với các thụ thể adenosine trong não nhưng không kích hoạt chúng. Điều này ngăn chặn tác động của adenosine, dẫn đến giảm mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, tiêu thụ caffeine quá gần giờ đi ngủ sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Khoảng 1/3 người thường xuyên uống cà phê thừa nhận rằng caffeine khiến họ khó ngủ vào ban đêm, một triệu chứng của chứng mất ngủ. Caffeine có thể tồn tại trong cơ thể bạn trong nhiều giờ liên tục. Để đảm bảo rằng caffeine không cản trở giấc ngủ ban đêm của bạn, bạn nên tránh cà phê hoặc bất kỳ nguồn caffeine nào khác ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ.

Đau đầu

Những người tiêu thụ caffeine thường xuyên, khi ngừng đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng cai nghiện, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi và tâm trạng chán nản. Hợp chất caffeine làm thu hẹp các mạch máu trong não. Khi bạn ngừng tiêu thụ, các mạch này lại nở ra và có thể gây đau. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần, đó là một lý do khiến việc cắt giảm lượng caffeine cần nhiều thời gian chứ không nên cắt giảm đột ngột.

Chóng mặt

Caffeine là một chất kích thích, giống như thuốc lá hoặc rượu, làm giảm lưu lượng máu lên não. Quá nhiều caffeine khiến bạn có thể cảm thấy hơi chao đảo, ngay cả khi bạn là một người sành cà phê.

Rung cơ

Vì caffeine là một chất kích thích, bạn có thể quen với chứng rung cơ. Quá nhiều caffeine khiến các cơ bị thiếu oxy, gây co thắt dẫn đến tình trạng run tay chân hoặc co giật mắt.

Tăng huyết áp

Phản ứng của huyết áp với caffeine ở mỗi người là khác nhau, nhưng một số người có thể bị tăng huyết áp đột ngột sau một tách cà phê. Bạn có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn khi kết hợp caffeine với nicotine, có trong các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Tăng huyết áp có một số nguyên nhân, vì vậy không chắc chỉ riêng caffeine sẽ dẫn đến tình trạng này. Nhưng những người bị tăng huyết áp được yêu cầu tránh xa các loại nước tăng lực chứa caffeine.
Các vấn đề về mắt

Các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho mắt có thể bị tổn thương khi huyết áp quá cao, gây ra một số vấn đề về thị lực. Điều này bao gồm bệnh võng mạc và bệnh lý tuyến giáp, gây mờ mắt, chảy máu trong mắt và thậm chí mất thị lực hoàn toàn.

Các nghiên cứu gần đây bắt đầu cho thấy mối liên hệ giữa những người tiêu thụ một lượng lớn caffeine và nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.

Lú lẫn và ảo giác

Khi dùng quá liều caffeine có thể dẫn đến nhầm lẫn và ảo giác. Ở quy mô nhỏ hơn, caffeine có thể khiến bạn cảm thấy cáu kỉnh, đặc biệt là nếu bạn đang cai nghiện. Adrenaline tăng lên cũng có thể gây ra ảo giác hoặc sương mù não. Tại thời điểm đó, tốt nhất là bạn nên cắt giảm lượng caffeine.

2. Nên uống bao nhiêu cà phê và khi nào cần đến gặp bác sĩ?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Uống cà phê sẽ gây nhịp tim nhanh, nếu uống cà phê đậm đặc khiến cho cơ thể bị mất nước bù nước không kịp. Khi uống quá nhiều cà phê sẽ thiếu canxi vì vậy không nên uống nhiều cà phê trong ngày vừa gây mất ngủ, vừa thiếu nước và dẫn đến nhiều bất lợi khác cho cơ thể.

Các chuyên gia sức khỏe cho biết caffeine có thể an toàn cho hầu hết người lớn khỏe mạnh khi họ tiêu thụ giới hạn ở mức 400mg mỗi ngày - tương đương với khoảng 4 tách cà phê. Cà phê khá an toàn cho sức khỏe nhưng không có nghĩa ai cũng nên uống, vì cơ thể mỗi người có sự hấp thụ và chuyển hóa khác nhau.

Việc lạm dụng caffeine có thể gây ra một số tác dụng phụ với một số trường hợp. Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn và làm tăng nhịp tim. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy sức khỏe tâm thần của mình bị ảnh hưởng, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Nếu uống nhiều hơn 2-3 cốc cà phê mỗi ngày, cơ thể không thích nghi được sẽ có tác dụng "tẩy" khiến bạn đau bụng và tiêu chảy. Lạm dụng cà phê còn gây chứng ợ nóng do trào ngược dạ dày và làm đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Đối với phụ nữ mang thai tuy không cần thiết phải kiêng uống cà phê nhưng cần hạn chế hạn chế tổng lượng caffeine nạp vào mỗi ngày. Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến nghị ít hơn 200 mg mỗi ngày. Nếu bạn đang mang thai, hành động tốt nhất cho bạn và con bạn là trao đổi với bác sĩ về lượng caffeine (nếu có) trong chế độ ăn uống của bạn. Khi bạn muốn uống cà phê, nên nói chuyện với bác sĩ của bạn để xem điều gì là tốt nhất cho bạn./.

Theo suckhoedoisong.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com