Cảnh báo nguy cơ biến chứng từ truyền dịch tại nhà

08:28, 10/03/2023

Một số người dân có quan niệm truyền dịch sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe mỗi khi ốm, sốt, cơ thể mệt mỏi, thậm chí truyền dịch để làm đẹp da, tăng cường sức khỏe… Tuy nhiên theo những người có chuyên môn y tế, việc thiếu hiểu biết, lạm dụng truyền dịch sẽ dẫn đến nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ như sốc phản vệ, rối loạn nhịp tim, tai biến, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Y tá Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định theo dõi các chỉ số của người bệnh trong quá trình truyền dịch.
Y tá Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định theo dõi các chỉ số của người bệnh trong quá trình truyền dịch.

Cách đây không lâu, bà Trần Thị My, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng người lờ đờ, khó thở, rét run và liên tục nôn ói. Mặc dù bà được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, song cũng phải ở lại bệnh viện 2 ngày để điều trị, tình trạng mới dần ổn định. Được biết, mỗi khi trái gió trở trời bà My thấy cơ thể mệt mỏi, đau nhức, khó chịu nên thường ra hiệu thuốc gần nhà mua chai nước muối và nước hoa quả nhờ người cháu có biết chút chuyên môn về y học đến truyền dịch; có khi người cháu bận việc không thường xuyên ngồi cùng, bà rủ 2, 3 người bạn đến cùng truyền và trông nhau. Không hiểu sao lần này, vừa cắm kim truyền được 10 phút, bà thấy người lạnh dần, rét run, khó thở, tim đập nhanh, mạnh, may mắn bà được kịp thời đưa vào viện cấp cứu. Chị Hà Thị Cao, ở Nam Trực khi người nhà đưa vào bệnh viện đã ở tình trạng hôn mê, mạch đập yếu, suy hô hấp, suy tim, có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Sau khi được cấp cứu kịp thời, chị Cao đã qua khỏi cơn nguy kịch và được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị. Trường hợp chị Cao bị sốc phản vệ do lạm dụng dịch truyền. Vì nghĩ truyền dịch nhiều sẽ tốt cho sức khỏe và đẹp da, chị đã thuê người đến truyền. Sau đó chưa đầy 1 tiếng, chị lại gọi một người khác đến truyền dịch mà không thông báo vừa mới được truyền. Sau khi đo huyết áp và nghe nhịp tim ổn định y tá đã cắm kim truyền, chỉ khoảng 15 phút sau, tay chân chị Cao bắt đầu run, mắt lờ đờ, liên tục kêu khó thở, người vật vã. 

Trao đổi về vấn đề này, một bác sĩ ở bệnh viện thành phố Nam Định cho biết: hiện nay, một bộ phận người dân do có thói quen cứ thấy sốt, mệt mỏi, sức khỏe kém đã tự mua nước về thuê người truyền dịch tại nhà. Trong khi, giá dịch vụ truyền dịch lại rẻ, chỉ dao động từ 150-200 nghìn đồng/lần, nếu có nhiều người cùng truyền thì giá tiền công còn rẻ hơn nữa. Đây là việc làm rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Việc truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ; trước khi truyền phải kiểm tra sức khỏe tổng thể, khám tim, phổi, đo huyết áp, đo mạch… Đồng thời, khi truyền dịch phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Nếu đưa vào cơ thể cùng một lúc số lượng lớn các chất điện giải, chất dinh dưỡng và nước có thể gây rối loạn về chuyển hóa dẫn đến các hiện tượng phù ở tim, thận, mạnh đập nhanh, mạnh, tăng huyết áp, buồn nôn, nôn liên tục… Hơn nữa, việc bổ sung không đúng các thành phần dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như mất điện giải sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não... Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không tương thích dẫn đến hiện tượng sốt, rét run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc truyền dịch ở nhà không có đủ thiết bị y tế để xét nghiệm và cấp cứu khi người bệnh không may bị sốc phản vệ. Mặc dù, kỹ thuật truyền dịch không phức tạp nhưng nếu thực hiện không đúng trình tự các bước, dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền, thậm chí, có nguy cơ nhiễm trùng cao từ kim truyền đưa thuốc vào cơ thể, hoặc lây nhiễm các bệnh mạn tính như HIV/AIDS, viêm gan siêu 
vi B, C… 

Một bác sĩ chuyên khoa nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trên thực tế, với những tác dụng dùng trong điều trị, dịch truyền là dạng thuốc rất hữu hiệu và cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần được cấp cứu, nhiều người bệnh nhờ truyền dịch mới được cứu sống hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại dịch truyền, do đó, trước khi truyền, người bệnh đều phải làm xét nghiệm các chỉ số và được tư vấn nên dùng loại dịch truyền nào để phù hợp với từng ca bệnh cụ thể với liều lượng được tính toán cho từng người, có sự theo dõi của bác sĩ. Tùy từng nhóm dịch truyền sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin chỉ truyền cho những đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không ăn được bằng đường miệng, không tiêu hóa được thức ăn… Nhóm cung cấp nước, các chất điện giải như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%... dùng trong trường hợp bệnh nhân mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy, bỏng, ói mửa, ngộ độc… Nhóm đặc biệt như dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... chỉ dùng trong các trường hợp người bệnh cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong 
cơ thể.

Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục trong quá trình truyền dịch đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định như: suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp... Khi được bác sĩ chỉ định truyền, cũng cần kiểm tra kỹ đề phòng rủi ro do chất lượng dịch truyền./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com