Từ sau Tết Nguyên đán, lao động tự do, nhất là những người trong độ tuổi 50 khá “chật vật” trong tìm kiếm việc làm do tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá cả một số mặt hàng tăng cao.
Những người lao động tự do ngồi chờ việc làm tại đường Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định). |
Năm nay đã ngoài 50 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan, ở phố Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) vẫn loay hoay tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Trước đây, chị làm công nhân tại Công ty May Sông Hồng, tuy nhiên do biến cố gia đình nên ba năm trước chị phải nghỉ việc để chăm chồng ốm đau, bệnh tật cùng mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Để bảo đảm cuộc sống gia đình, chị nhận đi dọn vệ sinh nhà cửa cho các gia đình với mức lương 50 nghìn đồng/giờ. Do dọn dẹp cẩn thận, sạch sẽ lại thật thà nên chủ các gia đình giới thiệu cho nhau để nhờ chị giúp. Một ngày chị cũng tranh thủ đi làm được 1-2 nhà, nhờ vậy, thu nhập cũng cơ bản tạm đủ chi tiêu. Tuy nhiên, dịp cuối năm vừa qua, do không may bị ngã trong khi lau dọn nên sức khỏe chị bị ảnh hưởng. Ra giêng, do sức khỏe yếu, chị muốn tìm công việc khác đỡ phải leo chèo, vất vả nhưng hiện tại để tìm kiếm được một việc làm phù hợp lại rất khó.
Anh Trần Thanh Ba, ở phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm đã gần 5 năm nay. Từ đầu năm đến nay, thu nhập từ nghề này của anh cũng không mấy khấm khá, không đủ chi trả các khoản sinh hoạt của bản thân. Anh Ba chia sẻ, hiện tại người đi xe ôm đang ít dần, trong khi đó một cuốc chở khách trừ chi phí, thu nhập còn lại không đáng bao nhiêu. Có ngày anh không chạy được cuốc nào nhưng vẫn phải ra đường ngồi đợi vì sợ mất mối, mất khách. Bản thân anh là lao động chính nên nếu không làm thì không biết lấy gì trang trải. Trong khi độ tuổi của anh đi làm công nhân cũng khó. Anh tâm sự: “Tôi đã vài lần làm hồ sơ xin việc ở công ty, nhưng không được nhận do đã ở độ tuổi 50, khả năng giao tiếp và năng lực chuyên môn không có nên đành quay về nghề cũ. Lao động tự do như chúng tôi bươn chải khó khăn, vất vả nhưng vẫn thiệt thòi vì không có bảo hiểm và chế độ khác. Đồng lương kiếm theo ngày phải chia từng phần chi tiêu cho hợp lý mới đủ lo cho các con đang tuổi ăn học”.
Không có bằng cấp, không thuộc độ tuổi mà các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp cần tuyển dụng, chị Trần Thị Tuyên ở xã Lộc An (thành phố Nam Định) hơn một năm nay thường xuyên ở nhà. Trước đây, nghề chính của chị là làm phụ hồ cho các công trình xây dựng dân sinh, nhưng công việc cũng không đều đặn. Từ sau tết, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng tăng giá “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp, người dân rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong quá trình thi công xây dựng. Hệ lụy kéo theo không ít công trình xây dựng phải dừng lại, làm cho nhiều lao động như chị Tuyên không có việc làm. Chị đã chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ mang tính chất thời vụ nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có nhu cầu và đề nghị chị để lại số điện thoại, khi nào có “việc cần người” họ sẽ liên lạc lại.
Hiện nay, nhiều lao động tự do khác cũng đang phải “gồng mình” kiếm kế sinh nhai. Nghề nghiệp không ổn định, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, nên không được chi trả các chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội... Mặc dù, chưa có con số thống kê chính xác về số lao động thời vụ đang có nhu cầu việc làm trên địa bàn tỉnh hiện nay, tuy nhiên, lao động thời vụ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm thời gian qua rất rõ. Bởi những lao động ở độ tuổi ngoài 50 hầu hết chân tay chậm chạp, mắt kém, không có kỹ năng, tay nghề nên chỉ có thể làm những công việc ở các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ mang tính chất thời vụ hoặc lao động chân tay như dọn dẹp nhà cửa, phụ hồ, buôn bán nhỏ lẻ… mong cải thiện cuộc sống. Khi hết việc hoặc bán buôn không thuận lợi họ cũng phải đi tìm việc khác, công việc không liên tục ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Mặt khác, theo dự báo trong quý I, thậm chí đến quý II-2023 tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm dẫn đến nhiều người lao động sẽ bị thiếu, mất việc làm. Vì thế việc làm cho đối tượng lao động thời vụ cũng khó khăn hơn.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn, mất việc làm. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân tặng nhu yếu phẩm, vận động miễn và giảm tiền thuê phòng trọ cho những lao động ở xa. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người lao động tìm được việc làm, tiếp cận công việc phù hợp với trình độ, năng lực… Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo đời sống cho người lao động chưa có việc làm trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021); tuyển sinh dạy nghề cho 35.200 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng gần 3.000 người. Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% vào cuối năm 2023.
Hy vọng thời gian tới, với những đột phá trong phát triển kinh tế nói chung cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, việc làm, đời sống của người lao động tự do sẽ tốt hơn./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin