Nhộn nhịp làng nghề ươm tơ Cổ Chất
.

Nhộn nhịp làng nghề ươm tơ Cổ Chất

21:58, 16/02/2023
 
 

Tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ trước năm 1945, thương nhân các nơi đã về Cổ Chất cất tơ lụa mang lên bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định. 

Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam Triều mở hội chợ đấu xảo tại Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về Kinh thành Thăng Long, ông Phạm Ruân ở làng Cổ Chất đưa tơ lên dự thi và đã được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ đương thời phong Cửu phẩm công nghệ. Cổ Chất cũng là nơi cung cấp nguồn tơ sợi chất lượng cho nhiều làng nghề dệt lụa nổi tiếng ở khắp cả nước, trong đó có làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. 

Quý giá như vậy, nên mặc dù nghề tằm tang khá vất vả, đúng như người xưa từng so sánh “Làm ruộng ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng”, người dân nơi đây vẫn thủy chung, gắn bó với nghề. 

Trẻ em từ khi biết cắp sách tới trường đã thông thạo việc hái dâu, chọn kén; khi trưởng thành được ông bà, cha mẹ dạy nghề ươm tơ. Cứ thế, nhà nhà, người người qua bao đời vẫn bền bỉ trồng dâu nuôi tằm, lưu truyền nghề ươm tơ kéo kén. Để tri ân công đức các vị tổ nghề ươm tơ, hàng năm, vào ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch, làng Cổ Chất lại tưng bừng mở hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo, mở đầu cho một mùa tơ vàng, mùa lúa bội thu, gửi gắm ước vọng về cuộc sống an khang, thịnh vượng.

Những ngày đầu đông, về thăm ngôi làng cổ xinh đẹp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh vừa nhộn nhịp, hối hả, vừa yên bình, thơ mộng. Khắp làng lách cách tiếng thoi đưa rộn rã, tiếng lạch cạch của những guồng quay tơ. Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Những sợi tơ len lỏi chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. 

Trên những khoảng sân ngập nắng, những bó tơ vàng, tơ trắng mềm mại, suôn đều, óng ả phơi trên những sào tre. Tơ sau khi phơi khô được lái buôn đến tận nơi để nhập hàng, một phần đổ cho những xưởng dệt, còn phần lớn sẽ mang đi xuất khẩu sang Thái Lan, Lào, Campuchia. Ngày nay, dù làm theo phương pháp thủ công hay đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại để sản xuất, người Cổ Chất với sự cần cù, đôi tay khéo léo đều tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, sợi tơ thanh mảnh nhưng rất bền đẹp, màu sắc tươi sáng.

Nghề ươm tơ dệt lụa được duy trì, phát triển không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân làng Cổ Chất mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ một nghề truyền thống quý báu của địa phương./.

Bài và ảnh: Xuân Thu - Lam Hồng

 



Xem thêm bình luận