Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ II)
.

Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ II)

17:11, 09/02/2023

 

Trong hải trình lần này có Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn Công tác số 2 là người con quê hương Nam Định đã nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Khi biết có phóng viên Báo Nam Định đi cùng đoàn, anh đã dành thời gian gặp gỡ để nắm bắt những nét khởi sắc mới của quê hương qua những trang báo. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) đã hun đúc cho anh Quyển quyết tâm trở thành sĩ quan trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1992, anh thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 1997 anh tốt nghiệp và được phân công, điều động về Lữ đoàn 126 (nay là Lữ đoàn 101). Trải qua nhiều vị trí công tác, cuối năm 2017 anh được điều về Lữ đoàn 146 và nhận nhiệm vụ luân phiên ở Trường Sa. Ở đảo Trường Sa Lớn, anh giữ các chức vụ Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng rồi Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cho đến tháng 8-2019 thì được luân chuyển, điều động nhận nhiệm vụ mới. Thời gian công tác ở Trường Sa Lớn đã giúp anh Quyển trưởng thành về mọi mặt. Anh cho biết: “Công tác ở Trường Sa Lớn là một trải nghiệm khác biệt so với trên đất liền. Các hoạt động mang tính độc lập cao, người Chỉ huy trưởng của đảo đòi hỏi phải có tố chất linh hoạt, quyết đoán, tập trung dân chủ, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Tiếp nối thành công của những người tiền nhiệm, anh cùng Ban chỉ huy đảo đã đặt nền móng, góp phần giúp thị trấn Trường Sa gặt hái được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ năm 2019 đến nay, 4 năm liền, thị trấn Trường Sa được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc. Cá nhân anh Quyển được tặng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Bộ Quốc phòng về đóng góp xây dựng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

 

Người con Nam Định ở Trường Sa

 

Một trong những người con của quê hương Nam Định cũng đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn là Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Dù xa quê nhiều năm nhưng giọng nói, chất hào sảng “ăn sóng, nói gió” của người Hải Hậu vẫn vẹn nguyên trong anh. Lúc mới cùng đoàn công tác lên đảo, anh Nhương dành cho phóng viên Báo Nam Định cái bắt tay ấm nồng cùng câu nói: “Nếu có thể, hãy cho anh xin tờ báo của quê hương bởi ở đây chưa có sóng 3G”. Giờ nghỉ trưa, anh hẹn riêng tôi theo lịch phỏng vấn. Tờ báo đã đọc xong được cất gọn gàng trên giá sách, anh bất ngờ trước những đổi thay từng ngày của quê hương Nam Định, rồi tóm lược một số bài viết anh tâm đắc. Qua chia sẻ, tôi được biết anh Nhương nhập ngũ từ năm 1992, sau đó thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi ra trường công tác tại Quân chủng Hải quân. Năm 2000, khi đang là Trung úy, anh được phân công công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Sau đó, anh lần lượt được phân công công tác tại các đảo Cô Lin, Song Tử, Sơn Ca... Tháng 10-2021, anh được điều động trở về đảo Trường Sa Lớn. Hiện nay, vợ con anh đều công tác và học tập ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Nhiều năm liền xa nhà công tác tại các điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa nhưng anh vẫn vững tâm bởi có hậu phương là người vợ tảo tần thay anh gánh vác mọi việc.

 

 

Một trong những kỷ niệm khó quên với anh Nhương khi đang công tác tại đảo Sơn Ca là năm 2017, vợ anh cùng đoàn công tác tới thăm đảo. Sau bao năm xa cách, anh mất ngủ nhiều đêm chờ ngày hội ngộ. Nhưng đúng ngày vợ đặt chân lên đảo anh Nhương lại mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp. May mắn có lực lượng quân y cùng các đồng đội và hơn hết là người vợ bên cạnh động viên chăm sóc, anh đã nhanh chóng phục hồi. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, anh Nhương cùng Đảng ủy, Ban chỉ huy đảo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Năm 2022, tập thể đảo Trường Sa Lớn được nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng. Trước khi rời đảo Trường Sa Lớn, Thượng tá Phạm Thế Nhương có gửi gắm tôi lá cờ đỏ thắm được treo trên đảo Trường Sa cùng bức thư tay ngắn gọn, đầy xúc động gửi về quê nhà: "... Lá cờ Tổ quốc đã được treo trên cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa từ ngày 5-10-2022 đến ngày 15-12-2022 thắm đượm nắng gió Trường Sa cũng như thể hiện sức mạnh, ý chí kiên cường của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Lá cờ này là món quà tôi mong muốn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà luôn vững chắc niềm tin vào con em quê hương đang công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...".

 

 

Một trong những kết quả nổi bật của thị trấn Trường Sa là làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo và đồng hành với ngư dân hoạt động trên biển, giúp họ yên tâm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Năm 2022, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã tiếp nhận gần 1.400 lượt cấp cứu, cứu chữa, khám bệnh, cấp thuốc cho ngư dân. Với những thành tích xuất sắc trong những năm qua, bệnh xá đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2021). Đóng góp vào thành tích chung của tập thể có dấu ấn của những người quê hương Nam Định đang công tác tại bệnh xá, trong đó có Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tài công tác tại đơn vị Khoa lao và bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175. Năm 2021, anh được Bệnh viện Quân y 175 phân công công tác tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Là điều dưỡng viên anh có nhiệm vụ chăm sóc, thực hiện y lệnh của bác sĩ cấp cứu quân và dân trên đảo và ngư dân tại ngư trường Trường Sa. Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tài có nhiều kỷ niệm với nghề. Anh cho biết: “Trong suốt thời gian công tác tại bệnh xá, tôi có trong ekip phẫu thuật, thực hiện các y lệnh của bác sĩ cấp cứu ngư dân bị tai nạn trên biển. Có thể kể đến như, trường hợp một ngư dân trên tàu cá khi đang lao động trên biển khu vực Nhà giàn DK1 thì bàn tay trái bị cuốn vào máy xay đá đã bị nát toàn bộ. Thời gian di chuyển từ khu vực Nhà giàn DK1 về kéo dài hơn 10 giờ, bệnh trở nặng. Ngay trong đêm, các y, bác sĩ bệnh xá đã cấp cứu, hồi sức rồi phẫu thuật trong 6 giờ; kết quả phẫu thuật thành công, bảo tồn được bàn tay cho bệnh nhân. Đến nay, chức năng tay của bệnh nhân đã cơ bản được phục hồi. Hay như bệnh nhân là ngư dân tỉnh Bình Thuận bị tai nạn lao động khi làm việc trên tàu cá dẫn đến vỡ gan khiến chảy máu nhiều, đã được truyền máu trực tiếp tại đảo. Không chỉ vậy, ca bệnh này tiên lượng xấu nên đã được cấp cứu bằng máy bay về bờ, sau đó điều trị thành công”.

 

 

Cũng trong dịp này, tôi gặp 2 chiến sĩ trẻ là Trần Đức Thái (21 tuổi) quê huyện Giao Thủy và Hoàng Minh Phương (20 tuổi) ở huyện Vụ Bản. Cả 2 em đều đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Trường Sa Lớn và đón cái Tết Nguyên đán đầu tiên tại đảo. Chiến sĩ Hoàng Minh Phương tâm sự: “Sự quan tâm của đồng chí, đồng đội đã giúp em vượt qua nỗi nhớ nhà và nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội. Được cùng đồng chí, đồng đội làm bánh chưng, dọn dẹp, chỉnh trang doanh trại, trang trí hội trường đơn vị chính là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời quân ngũ của em. Qua Báo Nam Định, em muốn gửi tới gia đình lời nhắn nhủ hãy luôn an tâm bởi nơi đây các chiến sĩ luôn được các cấp chỉ huy, đồng đội quan tâm và hơn hết, được cống hiến cho Trường Sa là niềm tự hào mà bất kể chiến sĩ trẻ nào cũng đều mong ước”.

 

 

Gặp các đồng hương, chứng kiến những dấu ấn của người Nam Định đã, đang và sẽ đóng góp công sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo mới thấy tự hào 2 tiếng quê hương. Mỗi người công tác trong lĩnh vực khác nhau nhưng đều nỗ lực, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua khó khăn, gian khổ để phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

(Còn nữa)
Viết Dư

Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ I)

 

 

 



Xem thêm bình luận