Xuân vui thoát nghèo cùng vốn tín dụng chính sách

08:18, 13/02/2024

Xuân Giáp Thìn đã đến, hơi thở của mùa xuân đậu trên những chồi non, lộc biếc, tô thắm những cánh mai, đào đang rực rỡ bung hoa. Xuân gõ cửa, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi nhà trên từng dong ngõ, hẻm đường, khu phố. Một mùa xuân no ấm, khởi sắc, đong đầy hy vọng, khát khao đổi đời đã về trong ánh mắt, nụ cười tươi sáng của những hộ nghèo, gia đình chính sách.

Nông thôn mới xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Việt Thắng

Nông thôn mới xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).

Ảnh: Việt Thắng

Hành trình gieo niềm tin 

Dịp cuối năm, chúng tôi có chuyến đi về các miền quê của Giao Thủy. Trên những con đường bê tông phẳng lì, hình ảnh nông thôn yên ả, trù phú hiện ra trước mắt với nhiều đổi thay thấy rõ. Thành quả đó đến từ sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huy động các nguồn lực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng vốn tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi mà Đảng, Nhà nước mang đến cho người dân khó khăn ở các miền quê biển.

Hơn 5 năm không ngừng nỗ lực chiến đấu với nghèo khó, chị Trần Thị Nguyệt ở xóm Xuân Hoành, xã Giao Xuân luôn có sự đồng hành của đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Trong câu chuyện với chị trước thềm xuân mới, niềm vui cứ từng bước được nhân lên, đói nghèo dần lùi lại, bị bỏ rơi phía sau qua từng mốc thời gian vay vốn. Năm 2019, gia đình chị vẫn còn ở diện hộ cận nghèo; chồng đi làm thuê cho các tàu biển, bản thân chị đau ốm bệnh tật. Nhà nghèo lại đông con, 4 cháu đều đang tuổi ăn học nên nỗi lo “miếng cơm, manh áo” luôn bủa vây. Lúc đó, cán bộ Hội Phụ nữ xã Giao Xuân đến thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh và  gợi ý chị có thể vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để phát triển nghề kéo lưới ngao vốn là nghề truyền thống ở địa phương. Với 90 triệu đồng vốn đầu tiên vay từ Ngân hàng CSXH huyện, anh chị đầu tư máy kéo lưới, dây chão, máy móc để đi biển. Chăm chỉ thức đêm dong tàu đi biển, kinh tế gia đình chị dần ổn định hơn.  Con thứ 2 của chị cũng được vay vốn Ngân hàng CSXH để hoàn thành chương trình học Đại học Giao thông Vận tải, tự kiếm việc làm, có kinh tế khá giả ở Hà Nội. Chỉ vào căn nhà mái bằng khang trang rộng rãi, chị hồ hởi khoe: “Để có cuộc sống như hôm nay, cùng với cố gắng vươn lên của gia đình tôi thì điều quan trọng là có sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách ưu đãi của Chính phủ đã gieo niềm tin và thắp lên khát vọng đổi đời cho các hộ nghèo như gia đình tôi”. Mới đây, chị tiếp tục được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH theo chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư tăng công suất thuyền kéo ngao vạng. Một tương lai mới tươi sáng hơn lại đến với gia đình chị Nguyệt.

Tết sắp đến, gia đình anh Trần Văn Hoan, xóm Xuân Hoành, xã Giao Xuân tranh thủ lúc thời tiết nắng ráo để xay xát gạo, bán dịp Tết. Trước đây, gia đình anh Hoan chuyên sản xuất gạch cốt liệu cho xây dựng. Ngày đầu sản xuất gian khó, nhờ vốn Ngân hàng CSXH cho gia đình anh 2 lần vay 30 triệu đồng và 40 triệu đồng qua các năm 2015 và 2017 đã giúp sức gia đình anh dần ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2020, biến cố ập đến khi anh bị tai nạn giao thông nặng, phải phẫu thuật xương mắt cá chân đồng nghĩa không thể quay trở lại công việc cũ. Anh Hoan tâm sự với chúng tôi: “Thời điểm đó, tôi và gia đình khá chật vật về kinh tế, bản thân tôi ngày đêm đau đáu suy nghĩ lo kiếm việc thu nhập bởi lúc đó con thứ 2 đang học năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội”. Đến năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện lại hướng dẫn tôi đăng ký vay vốn 100 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo để đầu tư máy xay xát gạo và mua xe chở hàng. Đồng vốn kịp thời đã “dẫn đường, mở lối” khơi thông “bế tắc” kinh tế của gia đình anh Hoan đem lại cuộc sống bền vững hơn. Cùng với đó, anh cũng phát triển nuôi thêm chim bồ câu và trồng cây cảnh để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh Hoan xay xát được hơn 3 tấn gạo thương phẩm, thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Giao Thủy Nguyễn Đức Hiện vui vẻ cho biết: Tính đến hết ngày 29-11-2023, tổng dư nợ các chương trình TDCS trên địa bàn huyện đạt hơn 488 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 10% với 16.664 hộ còn dư nợ. Theo đó, đã có hơn 2.103 hộ được vay vốn để đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, 372 hộ được vay vốn tạo thêm và giải quyết việc làm; 458 hộ mới thoát nghèo, 184 hộ cận nghèo, 29 hộ nghèo được tiếp sức phát triển kinh tế vượt khó; 290 học sinh, sinh viên của các gia đình khó khăn được viết tiếp giấc mơ đèn sách…

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giao Thủy gặp gỡ thăm hỏi chúc Tết gia đình hộ mới thoát nghèo Trần Thị Nguyệt ở xóm Xuân Hành, xã Giao Xuân.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giao Thủy gặp gỡ thăm hỏi chúc Tết gia đình hộ mới thoát nghèo Trần Thị Nguyệt ở xóm Xuân Hành, xã Giao Xuân.

Mang mùa xuân đến người nghèo

Khát vọng của người nghèo hiện giờ không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là một cuộc sống hạnh phúc với sinh kế bền vững để được hòa mình cùng công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đây vừa là mục tiêu, vừa là thách thức của Ngân hàng CSXH trên chặng đường mới. Để hiện thực hóa khát vọng đó của người nghèo, những người cán bộ Ngân hàng CSXH trong tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực hơn mỗi ngày để đồng vốn của ngân hàng ngày càng đến nhanh hơn, kịp thời hơn, luôn đồng hành cùng với các hộ vay trên mỗi chặng đường vượt khó để mỗi khi Tết đến, Xuân về, mọi người, mọi nhà thêm vui.

Trải qua 21 năm xây dựng và phát triển - một chặng đường đầy gian khó, đồng hành, vì hạnh phúc người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt qua hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng CSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực thi TDCS xã hội. Vốn TDCS đã “ăn sâu, bám rễ” trên mảnh đất quê hương nông thôn mới Nam Định, “đơm hoa, kết trái” đem về “quả ngọt” cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tạo nên diện mạo mới ở những miền quê nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1,74% vào cuối năm 2021 giảm xuống còn 1,32% với 8.522 hộ vào cuối năm 2022. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) khoảng 3,84% (giảm 0,93% so với năm 2022).

Một mùa xuân mới đã về gói ghém thêm bao niềm vui, ước vọng mới cho những hộ nghèo, gia đình chính sách. Những ngày Tết Giáp Thìn cận kề, hành trình đem lại những mùa xuân ấm áp vẫn tiếp nối sôi động trên khắp miền quê, mạch nguồn vốn TDCS lại lan tỏa thực sự trở thành người bạn đồng hành thiết thực cùng người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần tô thêm sắc xuân, nhân lên những mùa Xuân vui trên quê hương nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu Nam Định hôm nay./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com