Nông dân thời công nghệ số

07:44, 09/02/2024

Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn, chúng tôi về với các miền quê có những nông dân “tỷ phú”, “dám nghĩ, dám làm”, thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và công nghệ cao vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI, xã Trực Chính (Trực Ninh).
Livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI, xã Trực Chính (Trực Ninh).

Đưa công nghệ vào sản xuất và phát triển liên kết chuỗi

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trang trại chăn nuôi lợn xuất khẩu của Công ty TNHH Công Danh tại xã Giao Hà (Giao Thủy). Trang trại có quy mô 500 lợn nái và 2.000 con lợn thương phẩm. Lợn ở đây được nuôi trong nhà lạnh, chuồng trại khép kín, có ứng dụng công nghệ để chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của con lợn. Hệ thống thiết bị cấp thức ăn, nước uống cho lợn vận hành bán tự động. Nền chuồng áp dụng công thức đệm lót sinh học nên không những không phát tán nguồn thải ra môi trường, mà còn thu được phụ phẩm tái sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Các thông số chăn nuôi từ tình hình sức khỏe của lợn, lượng thức ăn, lượng thuốc… tại từng ô chuồng đều được công nhân phụ trách nhập dữ liệu, báo cáo từng ngày chuyển về máy chủ được kết nối với máy tính và điện thoại thông minh. Nhờ vậy, dù không ở tại trang trại, trong bất cứ thời gian nào, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Công ty cũng có thể cập nhật tình hình sản xuất thực tế và sẵn sàng xử lý những tình huống phát sinh. Ứng dụng khoa học công nghệ cùng với thực hiện các quy định nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học bằng thảo dược, quản lý công nhân làm việc tại trang trại nên đảm bảo an toàn dịch bệnh triệt để trong suốt quá trình hoạt động; trang trại hoàn toàn không xảy ra dịch bệnh ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến “căng” nhất.

Bà Lương Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công Danh cho biết, đây là thành quả sau hơn 15 năm “theo đuổi” dự án xuất khẩu thịt lợn của vợ chồng bà. Mua lại cơ sở chế biến thịt lợn của một doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định), vợ chồng bà đã thành lập Công ty, đầu tư nâng cấp lại nhà xưởng và mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị, nâng công suất giết mổ lên 1.000-3.000 con lợn sữa và 300-500 con lợn choai mỗi ngày. Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đến năm 2015 Công ty bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm lợn sữa, lợn choai sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc). Việc xuất khẩu được đẩy mạnh từ năm 2019 khi Công ty chủ động liên kết với một số trang trại trong tỉnh tạo vùng nguyên liệu ổn định. Đến năm 2021, ngoài xây dựng trang trại để phát triển quy mô đàn, tăng sản lượng xuất khẩu và lợn giống cho các trang trại “vệ tinh”, Công ty còn xây dựng 3 cửa hàng bán nông sản, thực phẩm sạch để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Đến nay, Công ty thực hiện chuỗi liên kết với 7 trang trại tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực và Ý Yên. Những năm qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Song chuỗi liên kết của Công ty vẫn cung cấp cho thị trường mỗi năm 5.000 tấn thịt lợn choai, lợn sữa chủ yếu sang thị trường Hồng Kông và khoảng 2.000 con lợn thương phẩm trong nước. Bình quân mỗi năm doanh thu xuất khẩu của Công ty đạt 8-10 triệu USD; doanh thu trong nước đạt 5-7 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 100 cán bộ, công nhân viên, lao động với mức thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/người/tháng.

Hiện đại hóa quy trình chế biến sứa 
tại Công ty TNHH Quý Thịnh, 
thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Hiện đại hóa quy trình chế biến sứa tại Công ty TNHH Quý Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Số hóa để không tụt hậu

Những nền tảng khoa học, công nghệ không chỉ đang được những nông dân “đời mới” ứng dụng vào sản xuất mà còn đang phát huy nhiều hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tết Nguyên đán càng đến gần anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI, xã Trực Chính (Trực Ninh) càng miệt mài livestream (quay video phát sóng trực tiếp) giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm của công ty làm từ củ sen.

Anh Duy chia sẻ, năm 2020, anh đã thuê lại hơn 4.000m2 đất ruộng trũng canh tác lúa không hiệu quả, bị bỏ hoang hóa và đầu tư nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ củ sen như: tinh bột củ sen, trà củ sen. Tuy nhiên, những sản phẩm đầu tiên ra đời cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. “Cái khó ló cái khôn”, không chịu ngồi yên đầu hàng, anh Duy rất “thức thời” tìm đến kênh thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Sen đỏ… Ngoài ra anh còn ứng dụng thành thạo các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh bắt mắt, thực hiện livestream quảng bá sản phẩm trên các kênh YouTube, Tiktok, Facebook, Zalo và kết nối với các đơn vị vận chuyển, shipper để tạo mạng lưới liên kết phân phối sản phẩm, tiếp cận với khách hàng. Sản phẩm tinh bột củ sen, trà củ sen được đóng gói cẩn thận, hút chân không; trên mỗi sản phẩm đóng gói đều có mã QrCode để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, công dụng, hướng dẫn sử dụng đã tạo dựng thêm niềm tin, uy tín với người tiêu dùng. Anh còn mở 1 website riêng; cùng với gian hàng trên sàn thương mại điện tử chung, trang mạng xã hội đã có hàng chục nghìn lượt theo dõi và ủng hộ các sản phẩm. Mỗi tháng, Công ty của anh xuất bán khoảng 10 tấn sản phẩm chế biến từ củ sen, trong đó 50% sản phẩm được bán trên “kênh số”, doanh thu đạt gần 200 triệu đồng.

Hiện nay nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân cũng đã và đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số. Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) với các sản phẩm từ tổ yến như yến thô, yến tinh, yến trưng đã có thị trường tiêu thụ rộng mở nhờ chủ động, bắt nhịp xu hướng kinh doanh của nền nông nghiệp thông minh. Anh Thuận cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị, tôi đã đưa sản phẩm tổ yến lên các nền tảng số. Trong đó, giúp tiêu thụ mạnh nhất là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, chiếm khoảng 70%. Các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là xúc tiến thương mại trực tiếp”. Theo anh Thuận, ứng dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại nhiều ưu điểm hơn so phương thức bán truyền thống, như dễ mở rộng được thị trường tiêu thụ, giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng… Tuy nhiên, do không được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm nên người bán cần phải có ý thức giữ uy tín để tạo thương hiệu từ hình ảnh, số lượng, chất lượng sản phẩm phải đúng với nội dung đăng bán thì khách mới “quay lại” với mình.

Năm cũ chất chồng khó khăn đã qua đi, năm mới mặc dù được dự báo vẫn còn khó, song với những gì đã làm được không ngăn được khát vọng về những “mùa vàng” no ấm, yên bình sắp tới. Những người nông dân mới đã chủ động thay đổi từ tư duy đến cách làm để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, trở thành “nông dân 4.0” với những dự định, kế hoạch, dự án… chất chứa tinh thần, ý chí sáng tạo; từng bước biến công nghệ trở thành công cụ đắc lực để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và “vùng phủ sóng” cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


Từ khóa:

Nông dân

thời công nghệ số


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com