Nhộn nhịp chợ đêm ngày cuối năm

16:13, 06/02/2024

Chợ đêm Phạm Ngũ Lão (thành phố Nam Định) là chợ “đầu mối” chuyên cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả,... cho các chợ nhỏ, lẻ trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Chợ thường bắt đầu từ lúc hơn 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng mỗi ngày. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không khí tại chợ trở lên sôi động nhất trong năm.

Một góc chợ đêm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Một góc chợ đêm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

2 giờ sáng, chị Trần Thị Hà ở xã Nam Dương (Nam Trực) đã có mặt tại chợ. Với lượng rau, củ khoảng hơn hai tạ, chị Hà phải chở bằng xe máy, hai bên là 2 chiếc sọt to, chằng thêm một chiếc cao lớn ở trên cùng. Với lợi thế ở vùng đất đồng màu, mùa nào thức nấy, rau cỏ đều tươi tốt nên ngoài diện tích của nhà trồng, hàng ngày chị đi các ruộng để gom thêm hàng về bán. Cũng vì vậy mà hàng đêm, chị phải thức giấc từ hơn 23 giờ để chuẩn bị rau, củ, chằng đồ lên xe để vận chuyển ra chợ. Từ nhà đến chợ đêm Phạm Ngũ Lão dài hơn 10 km, lại di chuyển trong đêm tối nhưng chị Hà chưa bao giờ thấy “khó” bởi đây là nghề cho chị nguồn thu nhập để nuôi con ăn học. Nên dù mưa rét, chị vẫn không dám nghỉ buổi nào.

Gần 10 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Tuân, ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đều đặn có mặt ở chợ đêm. Trên chiếc xe bán tải, những chiếc súp lơ, bắp cải đến củ su hào, bí ngô, bí xanh… được anh Tuân thu gom từ chiều hôm trước được chở đến chợ đầu mối rồi nhanh chóng dỡ hàng trên xe, bày biện ra chờ khách tới mua. Để kịp phiên chợ, vợ chồng anh thường đi từ lúc 11 – 12 giờ đêm và khi đến nơi hầu như đã có lượng khách hàng quen thuộc đứng đợi lấy hàng. Vì thế mà việc mua bán, trao đổi, thương lượng giá cả diễn ra rất nhanh chóng. Vợ chồng anh Tuân là một trong rất nhiều thương lái ngoại tỉnh như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương… mang đến chợ những nông sản độc đáo của quê hương mình. Đến chợ, người mua sẽ thoải mái lựa chọn cho mình từ quả chanh, trái ớt, ngô, khoai đến các loại rau đúng mùa và cả trái mùa. Tất cả đều còn tươi mới, xanh tươi. Đặc biệt, những ngày giáp Tết này, chợ càng có thêm nhiều mặt hàng nông sản mang đậm chất đặc sản vùng miền từ khắp nơi đổ về. Tầm khoảng ba giờ sáng, chợ bắt đầu bước vào khung giờ cao điểm, tiếng nói cười, tiếng thúc giục cùng với âm thanh bốc dỡ hàng hóa, kéo xe, người mua, người bán bắt đầu trở nên tấp nập xua tan không gian tĩnh mịch. Không chen lấn, tranh giành, xô đẩy, thuận mua vừa bán nên việc giao thương ở đây diễn ra khá nhanh chóng.

Không chỉ ở chợ đêm Phạm Ngũ Lão, những ngày này chợ đêm hoa quả khu vực đường Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Theo các thương lái, chợ bắt đầu hoạt động từ 12 giờ đêm đến khoảng 5-6 giờ sáng là tan. Đối với các mặt hàng hoa quả, thời điểm đông nhất là vào những ngày rằm, mùng một, ngày lễ và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Anh Phạm Thanh Huy, một thương lái cho biết: “Ngày nào cũng vậy, dù mưa gió, rét đến mấy nhà tôi cũng vẫn có mặt tại chợ từ rất sớm để cung ứng hàng hóa cho khách. Các loại trái cây được lấy từ các tỉnh nên mùa nào cũng phong phú. Hàng được lấy tận gốc, đạt mẫu mã, chất lượng, giá cả cũng “mềm” nên dễ tiêu thụ”. Xen lẫn tiếng còi xe, tiếng í ới gọi nhau của thương lái và người mua là những câu hỏi quen thuộc: “Quýt hôm nay giá thế nào? Táo có giảm hơn không”, “Nay có bưởi gì, có thêm phật thủ không…”. Trong cái giá lạnh của đêm cuối năm, người bán, người mua đều tất bật nhưng hầu như không có ai to tiếng. Nhìn những cô, những chị bên ngoài khoác thêm những chiếc áo mưa, chiếc khăn choàng ra ngoài lớp áo ấm có thể nhận thấy họ là những “dân buôn” đến lấy hàng đem về các chợ dân sinh bán lẻ. Nhiều người đến từ các huyện, trên chiếc xe máy “cà tàng” nhưng có thể chở được hàng tạ hàng với lủng củng những thùng xốp chồng lên nhau. Cô Hương, đến từ thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết, cô lấy hàng tại chợ đêm này đã được gần 5 năm. Trước đây, không đi xa lấy hàng được cô phải lấy lại từ người khác nên khi nhập phải đội lên mấy giá. Hiện tại việc buôn bán khó khăn, nhiều người mở mặt hàng này nên cô phải chịu khó đội mưa gió đi xa, lấy công làm lãi.

Khách hàng chọn mua hoa quả tại chợ đêm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Khách hàng chọn mua hoa quả tại chợ đêm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

Chợ đêm độc đáo, thú vị ở Thành Nam còn phải kể đến chợ hoa trên phố Cột Cờ. Trong không khí ồn ào và tấp nập của những ngày cuối năm, những người bán hoa tươi chủ yếu từ các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Nam Phong (thành phố Nam Định) tập trung về chợ hoa đầu mối này. Dọc hai bên đường, san sát những gian hàng hoa trong ánh đèn đường lúc mờ, lúc tỏ và ánh đèn pin loang loáng của "kẻ bán, người mua". Hoa ở đây có nhiều loài đa dạng, bên cạnh những bông hồng, ly, cúc, thạch thảo, thanh liễu, tuy líp … là những loài hoa như lay ơn, thược dược, vilolet, mang đặc trưng của ngày Tết. Không chỉ bán các loài hoa mà ở đây còn có các phụ kiện như giỏ hoa, xốp cắm, ruy băng, giấy bọc hoa, dây thép cùng nhiều loại lá giả, lá thật đi kèm giúp cho việc cắm hoa được dễ dàng. Thông thường, khoảng từ 20 giờ chợ hoa đã bắt đầu có những chuyến hàng tập kết, nhưng chợ nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian từ 2 - 4 giờ sáng. Ngày thường, chợ có khoảng 100 người bán, ngày giáp Tết số người bán lên khoảng hơn 200 người và tập trung thành hai đợt. Đợt đầu từ khoảng 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng, chủ yếu là bán buôn cho khách hàng ở huyện xa như: Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên và các tỉnh, thành lân cận như: Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng… Khách hàng chủ yếu vận chuyển bằng xe tải. Đợt thứ hai từ 3 giờ 30 đến 5 giờ sáng, bán cho khách lẻ, người đến chơi chợ hoa hay các chủ cửa hàng hoa ở thành phố Nam Định và vùng ven.

Dưới ánh đèn điện leo lắt, giữa những thanh âm ồn ào, pha tạp bởi tiếng xe ô tô, xe máy nổ, tiếng gọi chào hàng, tiếng trả giá và cả những tiếng cười giòn tan trong đêm. Những thương lái lớn có thể kiếm được số tiền ổn định sau mỗi xe hàng nhưng cũng có cả những bà, những chị cả buổi chợ đêm có khi chỉ kiếm được trên dưới một trăm nghìn đồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn tần tảo sớm khuya nơi góc chợ. Tuy vất vả, cực nhọc là vậy nhưng các bà, các chị không hề muốn nghỉ ngơi, không muốn mất đi bất kỳ một buổi họp chợ đêm nào, nhất là trong những ngày nhộn nhịp nhất trong năm này. Bởi nếu nghỉ, họ kiếm đâu ra thu nhập để lo cho gia đình, trang trải các khoản chi phí sinh hoạt và học tập cho con cái và nhất là khi cái Tết đã cận kề. Khi trời dần về sáng, theo khắp các ngả đường, các bà, các chị lại thì hối hả chở rau, củ, quả về để kịp dọn hàng bán chợ ngày mới; có chị lại tất bật trở về nhà để chợp mắt rồi lại bắt đầu công việc gia đình, người thì bận lo về tìm mối nhập hàng phục vụ bán buôn cho buổi chợ đêm sau. Và hơn cả, họ mang theo niềm ước vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn cho gia đình vào ngày mai./. 

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com