Mở rộng liên kết vùng, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển
.

Mở rộng liên kết vùng, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển

08:26, 08/02/2024
 

 

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa của vùng; địa bàn có ảnh hưởng quan trọng trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh đã tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Không gian đô thị thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư
Không gian đô thị thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư

 

Để tạo ý chí và quyết tâm cao biến chủ trương của Đảng thành hiện thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đến các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 17-2-2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 24-2-2023; trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. Đồng chí Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong rất nhiều công việc đang được đẩy mạnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo thuận lợi cho hoạt động liên kết nội vùng, mở rộng liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Qua đó, bám sát định hướng từ Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nam Định tổ chức quy hoạch các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình không gian “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh được bổ sung cho nhau. Cụ thể, ba vùng kinh tế động lực gồm: vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp, nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường). Bốn cực tăng trưởng gồm: vùng đô thị trung tâm thành phố Nam Định mở rộng; trung tâm đô thị Thịnh Long (Hải Hậu), Rạng Đông (Nghĩa Hưng) và Khu kinh tế Ninh Cơ; vùng đô thị Giao Thủy; trung tâm đô thị Cao Bồ (Ý Yên). Năm hành lang kinh tế được chú trọng quy hoạch, xây dựng bảo đảm tính phát triển lâu dài của tỉnh đến năm 2050, gồm hành lang Quốc lộ 10; hành lang cao tốc Bắc - Nam; hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy); hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định, Xuân Trường, Giao Thủy); hành lang tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện: Hải Hậu - Giao Thủy, Nghĩa Hưng - Ý Yên, Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn đến năm 2030. Về quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2030, Nam Định có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 50%. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ diện tích 13.950ha nằm trên địa bàn các huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu; tiếp tục khai thác 4 Khu công nghiệp: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Rạng Đông đã thành lập, tổng diện tích 1.091,2ha; quy hoạch phát triển thêm 12 khu công nghiệp; khai thác 24 cụm công nghiệp đang hoạt động; quy hoạch mới 46 cụm công nghiệp. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập của người lao động.

 

Cụm công trình Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7-2023.
Ảnh: Thành Trung
Cụm công trình Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7-2023. Ảnh: Thành Trung

 

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, đây là Cụm công trình thủy lớn nhất Việt Nam; hoàn thành công trình Quảng trường Hòa Bình (thành phố Nam Định); cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn II Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; cầu qua sông Đào; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện Đa khoa tỉnh; khởi công và triển khai xây dựng dự án Cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm trọng điểm và đạt được những tín hiệu rất tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Nam Định, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuyến đường trục phát triển, đoạn qua địa bàn huyện Ý Yên.
Ảnh: Viết Dư
Tuyến đường trục phát triển, đoạn qua địa bàn huyện Ý Yên. Ảnh: Viết Dư

 

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Nông nghiệp đang có những bước chuyển tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày càng cao hơn. Toàn tỉnh hình thành hàng trăm “cánh đồng lớn”, trang trại chăn nuôi tiêu chí mới, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng quy trình VietGAHP; hiện có 36 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và khả năng cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được tỉnh gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

 

 

Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều tập trung quán triệt, thống nhất cao về nhận thức và hành động, xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của vùng và liên kết vùng. Các địa phương đều có những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả những cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả điều phối, liên kết phát triển nhất là trên các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường, phát triển các cụm liên kết ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tại huyện Hải Hậu, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, địa phương đã tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: du lịch - dịch vụ; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế biển thực hiện đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác, gắn liền với bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển, ứng phó hiệu quả với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo đảm phát triển bền vững. Huyện chú trọng thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp nam Hải Hậu và các cụm công nghiệp làng nghề ở xã Hải Vân, dọc theo tuyến đường bộ ven biển, bám sát tuyến đường trục trung tâm huyện...

 

 

Ánh sáng từ Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và sự lãnh đạo, điều hành hiệu quả, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt cao của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng các địa phương, đơn vị, Nam Định sẽ phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.  

Xuân Thu

 



Xem thêm bình luận