Kỳ vọng bứt phá phát triển ngành công nghiệp

18:22, 04/02/2024

Năm 2024, ngành Công Thương tỉnh đặt mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.300 triệu USD. Trong bối cảnh kết quả xuất khẩu năm 2023 của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; cùng với nhiều dự báo kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, có thể sẽ tăng trưởng chậm lại cho thấy trở ngại, khó khăn để hoàn thành mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy vậy, theo phân tích của Cục Thống kê, bên cạnh những khó khăn, tỉnh ta còn rất nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp trong năm 2024.

Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Hoành Sơn (Giao Thuỷ).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Hoành Sơn (Giao Thuỷ). 

Trong năm 2023, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã ghi các dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư; các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa được đẩy mạnh đã góp phần giúp một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, duy trì sản xuất và là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 15,73%, đóng góp 4,87 điểm phần trăm. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 10,19%, là mức tăng trưởng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Các hoạt động xúc tiến, ngoại giao và những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả. Nam Định đã ghi dấu là một trong những điểm đến ưu tiên của nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư ngành bán dẫn, thiết bị điện tử, các ngành công nghiệp công nghệ cao… Tính đến ngày 20-12-2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án (bao gồm 39 dự án đầu tư trong nước và 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.412 tỷ đồng và 332 triệu USD; trong đó, cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 328 triệu USD. Mức tổng vốn đầu tư này được cho là ấn tượng, trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn đang trong xu hướng chậm lại, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm cũng ghi nhận sự kiên cường, nỗ lực vượt qua thách thức để góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Nam Định đứng vững giữa những “cơn gió ngược” toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, toàn tỉnh có 1.656 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 138 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Nam Định có sức sống mạnh mẽ, luôn nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để khởi nghiệp, đầu tư và kinh doanh, qua đó đóng góp cho sự lớn mạnh của nền kinh tế tỉnh.

Theo phân tích của UBND tỉnh, mặc dù tình hình chung là khó khăn nhưng với những thành tựu, bài học từ năm trước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, tận dụng được thời cơ để tiếp tục tăng tốc phát triển. Năm 2024, trong mục tiêu điều hành, Sở Công Thương sẽ ưu tiên tận dụng mọi cơ hội của động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời đẩy mạnh các đột phá chiến lược. Theo đó, Sở Công Thương sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp gồm: Phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương triển khai thực hiện các phương án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng cung cấp điện theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đang đầu tư; tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, các dự án của các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông...

Sở Công Thương sẽ phân bố không gian phát triển công nghiệp phù hợp theo từng vùng, địa phương, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp. Củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất trong các làng nghề di chuyển vào cụm công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến với phân phối, tiêu thụ sản phẩm, gắn với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường. Phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định và củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đa dạng hóa thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó chú trọng tới những thị trường mà doanh nghiệp chưa có khả năng thâm nhập sâu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến để kích cầu tiêu dùng trong nhân dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bằng việc tập trung thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ kể trên, chắc chắn, ngành Công Thương và các ngành liên quan, các địa phương sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa ngành công nghiệp của tỉnh bứt phá để về đích./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com