Những nông dân “học không bao giờ cùng”

08:30, 16/02/2024

Trong suy nghĩ của không ít người, phải gắn với ruộng đồng xem như là sự lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên, có những người nông dân không chạy theo xu hướng “ly hương” để đổi đời mà “bám đất, bám làng”, cần cù, năng động, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vợ chồng ông Trần Văn Oánh, thôn An Trung, xã Yên Đồng (Ý Yên) chăm sóc vườn cây ăn quả trên diện tích chuyển đổi cơ cấu.
Vợ chồng ông Trần Văn Oánh, thôn An Trung, xã Yên Đồng (Ý Yên) chăm sóc vườn cây ăn quả trên diện tích chuyển đổi cơ cấu.

Tốt nghiệp với tấm bằng kiến trúc sư, đang có công việc ổn định ở thành phố Hà Nội nhưng anh Nguyễn Minh Trưởng, trú tại xóm Hợp Thành, xã Hải Đông (Hải Hậu) lại lựa chọn quay về quê hương để làm “nông dân”. Với anh, sau 10 năm lăn lộn nơi đô thành thì về quê là lựa chọn tối ưu nhất. Năm 2018, với chút vốn liếng tích cóp được, anh đầu tư mua 1ha đất dự định phát triển kinh tế từ nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, nhận thấy ở thời điểm đó, tôm thẻ chân trắng đang “lên ngôi”, giúp nhiều nông dân nơi đây có “của ăn, của để”, anh đã đổi hướng sang nuôi tôm trên diện tích 0,5ha. Để chuyển sang công việc đầy mới mẻ này, chàng kỹ sư xây dựng đã phải mày mò học hỏi từ chính những người nông dân nơi đây. Anh cũng chịu khó tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật từ báo đài, những người có chuyên môn để áp dụng vào quy trình nuôi tôm công nghệ cao nên khá thành công. Năm 2019, anh đứng lên thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng chế biến thủy hải sản An Hòa Hải Hậu, quy tụ được 7 thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư nuôi tôm trên diện tích 15ha, hình thành một mô hình nuôi tuần hoàn khép kín.

Tuy nguồn thu nhập từ nuôi tôm khá ổn định nhưng vốn là người luôn thích tìm tòi, năng động trong sản xuất, kinh doanh nên sau 3 năm chuyên tâm vào nuôi tôm, anh Trưởng đã tiếp tục tìm cho mình một hướng đi mới, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế là nuôi ốc hương thương phẩm. Anh Trưởng đã tìm đến các cơ sở nuôi ốc hương, cơ sở cung cấp giống tại các tỉnh miền Nam và học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với những nghiên cứu, trải nghiệm của mình trong nuôi tôm, anh Trưởng đúc kết, áp dụng vào thực tiễn xây dựng mô hình nuôi ốc hương theo hệ thống tuần hoàn. Mô hình có quy mô diện tích hơn 1ha gồm các ao lọc nước, ao dự trữ và 5 ao nuôi ốc hương chính có diện tích trung bình khoảng 600 m2/ao, cùng 2 ao đang nuôi thử nghiệm xen canh ốc hương với tôm thẻ chân trắng. Anh Trưởng chia sẻ: “Ốc hương là đối tượng thủy sản nước mặn có sức đề kháng tốt, sống khỏe, ít dịch bệnh, mỗi năm nuôi được 2 vụ. So với tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương nhàn hơn, thời gian quản lý không nhiều, chi phí thức ăn thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn tôm. Thời điểm thu hoạch ốc hương khoảng 6 tháng sau khi xuống giống và kéo dài đến khoảng 3 tháng tiếp theo. Tuy không thể thu hoạch nhanh gọn như tôm nhưng an toàn cho người nuôi. Vào thời điểm hiện nay, ốc hương đang có giá trị kinh tế cao”. Thời điểm tháng 7-2023, anh Trưởng đã xuất bán ra thị trường lứa ốc hương thương phẩm đầu tiên với số lượng hơn 10 tấn, bán với giá 270-280 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trang trại thu về khoản lợi nhuận cao. Công nghệ nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn của Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng chế biến thủy hải sản An Hòa Hải Hậu được đánh giá là mô hình có bước đột phá mới trong nghề nuôi ốc hương của tỉnh, góp phần thúc đẩy nghề phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững, hiện đại. Tháng 9-2023, mô hình nuôi ốc hương của anh Trưởng đã được chứng nhận VietGAP.

Anh Nguyễn Minh Trưởng, Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng chế biến thủy hải sản An Hòa Hải Hậu, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm tra ốc hương trước khi xuất bán.
Anh Nguyễn Minh Trưởng, Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng chế biến thủy hải sản An Hòa Hải Hậu, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm tra ốc hương trước khi xuất bán.

Cùng trên một mảnh đất canh tác nhưng với tư duy năng động, sáng tạo và cách làm mới trên cánh đồng cũ đã mang lại “quả ngọt” cho nhiều nông dân. Trong đó mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Trần Văn Oánh ở thôn An Trung, xã Yên Đồng (Ý Yên) là điển hình của việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Trong một lần tham quan mô hình trồng bưởi khá hiệu quả của một người bạn, ông Oánh thấy đây là giống cây phù hợp với đồng đất quê hương, trái bưởi lại đang rất được thị trường ưa chuộng. Do đó, vợ chồng ông đã chủ động học hỏi các kỹ thuật trồng bưởi, nhất là các loại bưởi đặc sản có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng. Vì vậy, khi xã Yên Đồng có chủ trương dồn điền, đổi thửa, được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông Oánh đã mạnh dạn dồn đổi các thửa ruộng nhỏ lẻ tập trung thành thửa lớn với diện tích 7 sào để tập trung xây dựng mô hình chuyên canh bưởi. Để cây sớm cho thu hoạch, gia đình ông đã lựa chọn mua những gốc cây giống lâu năm về trồng. Vừa làm vừa cập nhật kiến thức về kỹ thuật trồng cây ăn quả, đến nay vườn cây của vợ chồng ông Oánh đã cho “trái ngọt”. Năm đầu tiên, 3 sào bưởi cho thu hoạch, trừ chi phí đã có lãi khoảng 50 triệu đồng. Thành công bước đầu, vợ chồng ông mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng bưởi và các loại cây ăn quả khác. Đến nay, mô hình của gia đình ông đã có hơn 1.000 cây ăn quả và cây giống các loại, chỉ tính riêng thu nhập từ quả bưởi, bình quân mỗi năm gia đình thu lãi từ 80 đến 90 triệu đồng. Ngoài các loại cây ăn quả, gia đình ông tiếp tục đầu tư 12 nghìn cây mộc hương về trồng. Đây là loại cây có hoa rất thơm lại có giá trị về dược liệu, ý nghĩa phong thủy nên có giá trị cao, cây càng lâu năm càng có giá trị kinh tế. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Oánh cũng đã tạo việc làm thời vụ cho một số lao động của địa phương có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Để tăng năng suất trên 1ha canh tác, thời gian tới, gia đình ông sẽ kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trồng khoảng 1ha hoa cây cảnh như: Tùng la hán, cây sanh Nam Điền, mộc hương ta…

Nông dân đang là lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn. Nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, mạnh dạn học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo động lực để bà con nông dân tự tin vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com