Bảo hiểm tài khoản ngân hàng góp phần bảo vệ khách hàng trước tội phạm lừa đảo trên mạng

08:40, 31/01/2024

Trong bối cảnh công nghệ nở rộ, nhiều giao dịch tín dụng được thực hiện trực tuyến (online), tội phạm lừa đảo online nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều, thủ đoạn thay đổi liên tục và rất tinh vi. Các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm giả danh cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về tài khoản, chuyển tiền đến tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2023, nhiều ngân hàng nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng mạo danh tin nhắn, email, trang web của ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Kẻ lừa đảo thường yêu cầu khách hàng bấm vào đường link đính kèm tin nhắn để dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, khách hàng dễ nhầm lẫn nhập tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP. Nếu thực hiện theo, kẻ gian sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.

Cán bộ Vietcombank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng đăng nhập trên ứng dụng VCB Digibank.
Cán bộ Vietcombank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng đăng nhập trên ứng dụng VCB Digibank.

Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, hàng loạt công ty bảo hiểm thuộc các ngân hàng đã chính thức triển khai các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tài khoản trong giao dịch trực tuyến. Có thể kể đến các sản phẩm như: Bảo hiểm Bảo an tài khoản của Agribank do ABIC triển khai, bảo hiểm toàn diện thẻ ghi nợ của VietinBank, bảo hiểm Bảo an tài khoản của BIDV, bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng CyberGuard của SHB, bảo hiểm thẻ thanh toán của MB, bảo hiểm Bảo an chủ thẻ của VPBank… Đối với sản phẩm Bảo an tài khoản của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), mức phí được quy định là 70 nghìn đồng/năm. Khách hàng có thể được chi trả quyền lợi tối đa 46 triệu đồng/tài khoản/năm khi xảy ra các sự cố mất tiền do vô tình đăng nhập vào các trang web giả mạo; bị lộ thông tin hoặc bị tấn công bởi các phần mềm độc hại. Đại diện Bảo hiểm Agribank cho biết, Bảo an tài khoản có 2 phạm vi bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm thứ nhất là các giao dịch thanh toán qua internet, khi bên thứ ba gây ra tổn thất tài chính thông qua việc chuyển tiền trực tuyến trái phép từ các tài khoản ngân hàng trực tuyến cá nhân (bao gồm các ứng dụng thanh toán và ngân hàng như ví điện tử, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của người được bảo hiểm). Phạm vi bảo hiểm thứ hai là khoản bồi thường các chi phí và thu nhập bị thiệt hại trong trường hợp người được bảo hiểm trở thành nạn nhân của trộm cắp danh tính trực tuyến. Các trường hợp trên sẽ được Bảo hiểm Agribank chi trả quyền lợi lên đến 46 triệu đồng/năm/tài khoản và phạm vi bảo hiểm trên toàn thế giới. Nhờ đó, sản phẩm Bảo an tài khoản của ABIC được khách hàng tích cực đón nhận. Chị Nguyễn Thị Thu, khách hàng của Agribank tại thành phố Nam Định chia sẻ: “Do hay để tiền trong tài khoản tiện và thường chi tiêu trực tuyến, tôi đã tham gia sản phẩm Bảo an tài khoản của Bảo hiểm Agribank. Cá nhân tôi thấy, đây là sản phẩm tiện lợi, chi phí rẻ, chỉ 6.500 đồng/tháng mà tiền bảo hiểm lên tới 46 triệu/năm/tài khoản. Có sản phẩm này, tôi yên tâm hơn khi để tiền trong tài khoản ngân hàng”.

Mức phí mua bảo hiểm giao dịch trực tuyến hiện nay khá cạnh tranh và các dòng sản phẩm bảo hiểm tài khoản ngân hàng đang bắt đầu thu hút được khách hàng, nhất là nhóm khách hàng đăng ký tài khoản mới. Với mức phí sử dụng gói bảo hiểm thẻ ghi nợ của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) là 3.000-5.000 đồng/thẻ/tháng, khách hàng có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm khá lớn, như: Bảo hiểm giao dịch gian lận thẻ (tối đa 100 triệu đồng/người/năm, áp dụng cho các giao dịch mua sắm trực tuyến, thanh toán tại cửa hàng, giao dịch ATM…); bảo hiểm trễ chuyến bay (thanh toán lại tối đa 3 triệu đồng/vé), bảo hiểm cướp tiền tại cây ATM (tối đa 10 triệu đồng/vụ việc). Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), thành viên của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đang triển khai sản phẩm bảo hiểm tài khoản thẻ, bồi thường tổn thất tài chính cho khách hàng trong trường hợp tài khoản bị đánh cắp để giao dịch trái phép, gian lận mua sắm trực tuyến. Mức phí bảo hiểm là 95 nghìn đồng/6 tháng hoặc 150 nghìn đồng/12 tháng. Mức bồi thường một tài khoản thẻ là 60 triệu đồng cho mọi vụ tổn thất.

Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm tài khoản, bảo hiểm rủi ro trong giao dịch trên không gian mạng của ngân hàng là kịp thời, phù hợp với nhu cầu của khách hàng bởi giao dịch thương mại trực tuyến hiện đã trở nên phổ biến trong xã hội. Bên cạnh đó, ngày 18-12-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN quy định việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên internet. Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học. Khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc trên hệ thống Internet Banking/Mobile Banking, khách hàng phải trình diện dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học để xác thực giao dịch (như khuôn mặt, tĩnh mạch ngón tay hoặc bàn tay, vân tay, mống mắt, giọng nói). Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của Căn cước công dân, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Với công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất. 

Cùng với lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, bảo hiểm tài khoản và các bộ, ngành làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản ngân hàng với dữ liệu cá nhân, dữ liệu thuê bao di động sẽ tạo ra “rào chắn” bảo vệ tốt hơn cho người dùng trực tuyến trước tình trạng tội phạm mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày càng gia tăng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com