Những ngày đầu năm 2024, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng lại vươn khơi, bám biển khai thác thủy, hải sản.
Hình ảnh mua bán hải sản diễn ra tấp nập tại bến cá Giao Hải, xã Giao Hải (Giao Thủy). |
Tòan tỉnh hiện có hơn 2.000 tàu thuyền khai thác thủy sản với 5.240 lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển. Trong năm 2023, để đảm bảo cho ngư dân vươn khơi bám biển an toàn, hiệu quả, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm ổn định sản xuất cũng như hoàn thiện công tác quản lý khai thác thủy sản như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương giám sát chặt hoạt động khai thác bất hợp pháp, không để tàu cá Nam Định vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt không có tàu cá của Nam Định vi phạm vùng biển nước ngoài... Hoạt động khai thác của người dân dần ổn định, các tàu cá có công suất lớn đã mạnh dạn vươn khơi xa, khai thác thủy sản tiếp tục tăng cả về sản lượng và giá trị, cơ cấu nghề nghiệp được duy trì và phát triển theo đúng định hướng mà ngành thủy sản đã đề ra. Sản lượng khai thác thủy sản trong năm ước đạt 61.070 tấn, đạt 98,5% so với kế hoạch và tăng 4,3% (tăng 2.529 tấn) so với năm trước, trong đó khai thác hải sản biển đạt 58.270 tấn, khai thác trong vùng nội đồng đạt 2.800 tấn, tăng 4,3% so với năm 2022. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khai thác IUU đã được cơ quan chức năng quan tâm và bước đầu đã xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá. Công tác quản lý tàu thuyền khai thác thuỷ sản có nhiều tiến bộ nhất là công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác. Đến nay, đã tiến hành phân loại được toàn bộ số lượng tàu thuyền theo chiều dài, theo nghề và theo vùng biển hoạt động theo từng huyện.
Với những kết quả đã đạt được cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, bước sang năm mới, ngư dân các huyện ven biển lại nỗ lực vươn khơi, hy vọng mùa vụ thắng lợi. Để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm suôn sẻ, ngay từ trước Tết Nguyên đán, ngư dân đã tu bổ lại tàu thuyền, ngư lưới cụ. Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, thời điểm sau Tết trên biển có nhiều luồng tôm, cá. Không những thế, chợ những ngày đầu năm tôm cá đắt hàng, bán được giá cao gấp đôi ngày thường nên đây là dịp ngư dân có thu nhập cao hơn ngày thường. Những ngày đầu năm 2024, tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sôi động, nhộn nhịp “kẻ bán, người mua”, những đoàn thuyền phất phới cờ Tổ quốc, nối nhau ra vào cập bến. Thời tiết giá rét của những ngày đầu năm 2024 không ngăn được khí thế hăng hái ra khơi của ngư dân. Từ hầm bảo quản sản phẩm của các tàu đánh bắt xa bờ vừa cập bến sau chuyến đánh bắt, những mẻ cá tươi rói được ngư dân và thương lái nhanh chóng chuyển lên xe đông lạnh để đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Gần đó, nhiều tàu đánh bắt xa bờ khác đang khẩn trương bốc dỡ ngư lưới cụ, bổ sung lương thực, thực phẩm... để sẵn sàng cho chuyến vươn khơi, bám biển. Tại làng chài Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu), ngay từ mồng 2 Tết, nhiều ngư dân đã bắt đầu vươn khơi. Anh Nguyễn Văn Toàn, ngư dân tại làng chài cho biết: “Chuyến biển đầu tiên sau Tết Nguyên đán có ý nghĩa rất quan trọng với ngư dân chúng tôi. Ngoài cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá, chúng tôi còn cầu mong trở về bình an”.
Để tạo điều kiện cho ngư dân vững tin vươn khơi bám biển đầu xuân mới, Ban quản lý các cảng cá, bến cá đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm, điều động nhân viên, phân ca trực sẵn sàng hỗ trợ tàu thuyền ra, vào cảng cá. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa được sắp xếp trật tự, đảm bảo việc lưu thông thuận lợi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và các đồn, trạm biên phòng tích cực bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê phân loại tàu cá và hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi của ngư dân. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tiếp tục thống kê, kiểm tra, giám sát sản lượng nghề khai thác hải sản; đẩy mạnh công tác cấp mới, cấp đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản; rà soát tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng trở lên, gửi thông báo hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản tới các chủ phương tiện; phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu khai thác bất hợp pháp. Tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản, hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác và báo cáo khai thác cho ngư dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá. Tập trung phát triển nghề có tính chọn lọc cao, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế và tăng khả năng vươn khơi xa để giảm áp lực cho khu vực ven bờ. Củng cố xây dựng công tác dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến ngư dân dự báo ngư trường khai thác, trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép đánh bắt. Duy trì ổn định sản lượng khai thác ven bờ và giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV; quản lý tốt các cơ sở đóng mới tàu cá và xử lý nghiêm những cơ sở tự ý đóng mới tàu cá thuộc diện cấm phát triển.
Những chuyến biển đầu năm với đầy ắp hải sản được coi là “lộc biển” là tín hiệu vui giúp ngư dân có cuộc sống ấm no hơn để yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin