Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông sản và các sản phẩm truyền thống, thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, người dân tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Chế biến sản phẩm OCOP Mắm tôm Văn Quang tại cơ sở của ông Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải. |
Các xã, thị trấn ven biển đã phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững với 3 mũi nhọn trọng tâm là nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản. Trong đó có nhiều sản phẩm từ biển được công nhận đạt OCOP như: Ruốc cá Tuyến Loan và Cá kho Tuyến Loan của cơ sở chế biến cá kho, cá nướng Rạng Đông, thị trấn Rạng Đông; Mắm tôm Văn Quang của cơ sở chế biến Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải; Cá nhệch kho tộ Thiết Hiên của hộ kinh doanh hải sản Thắng Hiên, xã Phúc Thắng, nước mắm Lạch Giang của cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Với tiêu chí “Chất lượng - An toàn - Vì sức khỏe cộng đồng”, nước mắm Lạch Giang được chế biến từ cá lâm, cá cơm giàu chất béo, độ đạm cao, ủ chượp bằng muối sạch sản xuất ngay tại cánh đồng muối Phúc Thắng. Anh Nguyễn Thanh Bình, chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Sản phẩm nước mắm Lạch Giang được cơ sở sản xuất theo phương thức truyền thống có cải tiến, trong đó các khâu ngâm, ủ, phơi nắng, đánh đảo trong thời gian 24 tháng, sau đó được chiết, chắt và áp dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược (RO) để lọc cặn, vi khuẩn tạo ra nước mắm nguyên chất, không có cặn, vi khuẩn. Nước mắm Lạch Giang được chứa trong các chum sành, phơi nắng, phơi sương trong vòng 2-3 tháng trước khi đưa ra bán nên có hương vị dịu nhẹ, êm không bị gắt, tạo nét khác biệt so với các dòng mắm truyền thống khác”. Sản phẩm nước mắm Lạch Giang được cơ quan quản lý chất lượng của tỉnh chứng nhận là sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, được công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” của huyện, tỉnh năm 2019. Mỗi năm, cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang tiêu thụ khoảng 5.000 lít nước mắm, cung cấp đi các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, các HTX, doanh nghiệp trong huyện đã phát triển sản xuất, chế biến và xây dựng thành công sản phẩm OCOP gạo đặc sản. Hiện huyện có 6 sản phẩm OCOP về gạo là Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình và Gạo Huyết rồng Nghĩa Bình của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình; Gạo nếp cau Nghĩa Hải của HTX Sản xuất kinh doanh DVNN Phú Thọ, xã Nghĩa Hải; Gạo mầm tươi và Gạo mầm tươi Antonin của HTX Thanh niên Nam Đại Dương, xã Nghĩa Minh; Gạo nếp thơm Giáo Lạc của HTX Sản xuất kinh doanh DVNN Nghĩa Tân, xã Nghĩa Tân. Không chỉ nhanh nhạy trong sản xuất, chế biến, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các sản phẩm OCOP của đơn vị lên sàn thương mại điện tử. Điển hình là cơ sở trồng và chế biến nông sản Kocta, xã Nghĩa Phú với sản phẩm OCOP Bột tía tô Kocta; HTX Sản xuất và chế biến Nông Phong, xã Nghĩa Phong với sản phẩm OCOP Củ cải sấy khô; hộ kinh doanh hải sản Thắng Hiên, xã Phúc Thắng đưa sản phẩm OCOP Cá nhệch kho tộ Thiết Hiên lên giao dịch tại sàn Shopee…
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nghĩa Hưng đã chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Đặc biệt, huyện xác định hiệu quả của Chương trình OCOP là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Do đó, huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp huyện; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại của huyện, trong và ngoài tỉnh… Do vậy, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình và tích cực hưởng ứng tham gia chương trình. Với nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đến hết năm 2023, huyện Nghĩa Hưng đã có 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Huyện xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Các cơ sở là hạt nhân thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa. Do vậy, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu, số hóa sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP... nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin