"Làng số" - cẩm nang mang nền tảng số đến hộ gia đình

08:21, 19/02/2024

Với mục đích hướng dẫn mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động tham gia xây dựng Làng số - mô hình kinh tế số, xã hội số từ quy mô nhỏ nhất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) địa phương và đất nước, từ tháng 1-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) ra mắt cẩm nang “Làng số” trên các nền tảng số. Đây được xem như cuốn cẩm nang mang nền tảng số đến tận hộ gia đình, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại.

Nhân viên Công ty ITo LINK phối hợp với người dân làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thu thập số hóa thông tin làng nghề.
Nhân viên Công ty ITo LINK phối hợp với người dân làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thu thập số hóa thông tin làng nghề.

Để đáp ứng yêu cầu CĐS trong giai đoạn mới đó là lan tỏa các ứng dụng số đến mỗi người dân, tới từng hộ gia đình nhằm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện hiệu suất lao động, mở ra không gian mới để phát triển kinh tế cho người dân khu vực nông thôn, cuốn cẩm nang “Làng số” ra đời nhằm khẳng định 3 giá trị cốt lõi là: mang nền tảng số đến với gia đình; lấy người dân là động lực chính thúc đẩy CĐS và sử dụng công nghệ số để thay đổi cách thức phát triển kinh tế. Với ý nghĩa đó, cẩm nang “Làng số” giới thiệu với người dân cả nước 30 nền tảng số Make in Viet Nam; 50 câu chuyện điển hình về hơn 100 người dân tiêu biểu đã tự tìm hiểu sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. “Làng số” được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng số: website (https://langso.dx.gov.vn); Facebook (https://www.facebook.com/lang.so.mic); Zalo OA (https://zalo.me/3554979280957564525); Quét mã QR của Mini App.

Theo đó chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ở mọi nơi, mọi lúc, người đọc dễ dàng truy cập vào trang chủ của “Làng số” để cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp cho cá nhân và lựa chọn các nền tảng số được giới thiệu để áp dụng vào thực tế địa phương, gia đình nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Đồng thời nghiên cứu tham khảo những câu chuyện, mô hình làng số được đăng tải đã khắc họa rõ bối cảnh, cách làm và kết quả cụ thể ở nhiều địa phương khác nhau trên toàn quốc để chắt lọc kinh nghiệm và học hỏi làm theo. Với cơ quan quản lý Nhà nước, cuốn cẩm nang “Làng số” giúp cho họ có cái nhìn tổng thể về việc xây dựng “Làng số” trên cả nước làm cơ sở định hướng xây dựng mô hình “Làng số” phù hợp nhất với địa phương.    

Cuốn cẩm nang “Làng số” được hình thành trên cơ sở ý tưởng của Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các cộng sự đã và đang trực tiếp tham gia hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược và thực thi CĐS ở cấp cơ sở; có sự giúp sức, kế thừa tri thức của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nhân Việt Nam. Theo Bộ TT và TT, cả nước có gần 11 nghìn đơn vị hành chính cấp xã, khoảng 29 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Muốn CĐS nhanh, bền vững, bao trùm thì toàn dân phải cùng vào cuộc. Để làm được như vậy, mỗi người dân, mỗi làng, mỗi xã, mỗi hợp tác xã đều cần một cuốn sách truyền cảm hứng với những ví dụ cụ thể, dễ đọc, dễ làm và quan trọng nhất là có thể tự làm, để từ đó có thể giúp chính mình CĐS mà không phụ thuộc vào người khác. “Làng số” có thể chưa đạt được kỳ vọng mà cả người viết lẫn người đọc mong mỏi do CĐS là một quá trình, cần liên tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Nam Định được Bộ TT và TT ghi nhận có nhiều nỗ lực và thành tựu trong công cuộc CĐS. Cuốn “Làng số” ra mắt vào những ngày đầu năm 2024 đem đến kiến thức về CĐS giúp mỗi gia đình từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện hiệu suất lao động, mở ra không gian mới để phát triển kinh tế gắn với số hoá cho người dân khu vực nông thôn. Với ngành TT và TT, cuốn Cẩm nang CĐS và cuốn “Làng số” là những cuốn sách truyền cảm hứng, là từ điển CĐS của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong suốt quá trình tham mưu, thực hiện chiến lược CĐS của tỉnh. Nghiên cứu cuốn sách này như có thêm chuyên gia ở bên giúp định nghĩa chính xác từng vấn đề của CĐS, để bắt đầu từ việc nhỏ nhất, có phương án xử lý hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Từ cuốn “Làng số” đã truyền cảm hứng để Sở tham mưu với UBND tỉnh các kế hoạch, chương trình; tổ chức, dẫn dắt các sở, ngành, địa phương và người dân đẩy mạnh CĐS. “Làng số” cũng đã gợi mở cách đưa nền tảng số đến gần với người dân hơn, thiết thực hơn. Thực tế ở Nam Định ngoài việc cơ bản hoàn thiện trục chính quyền số ở cấp xã thì các ứng dụng của kinh tế số và xã hội số cũng đã được phát triển với nhiều mô hình CĐS mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó mô hình số hóa thông tin làng nghề hoa, cây cảnh truyền thống Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực); số hóa thông tin một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và rất nhiều mô hình kinh tế số trong các hộ gia đình nông dân giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các nền tảng “Làng số” trong quá trình CĐS, ngành TT và TT tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy CĐS ở cấp cơ sở, cấp làng, cấp xã ngày càng nhanh, mạnh và hiệu quả, khiến cho mọi người dân đều thụ hưởng thành quả từ công nghệ số./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com