Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

08:16, 10/05/2023

“Hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng, khẳng định rõ vai trò đồng hành của KH và CN trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH nói riêng, góp phần phát triển đất nước nói chung” - Bộ trưởng Bộ KH và CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tại “Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng” diễn ra hồi tháng 2 vừa qua tại tỉnh Quảng Ninh.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất một số loại rau, quả chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nam Định” của Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất một số loại rau, quả chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nam Định” của Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Những năm qua, các địa phương vùng ĐBSH đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất giúp chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Việc xây dựng quy trình công nghệ cao tạo chuỗi cung ứng đã cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong vùng, từ năm 2019 đến tháng 3-2023, các địa phương đã triển khai thực hiện gần 2.000 nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh; 89 nhiệm vụ KH và CN cấp quốc gia, tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị; các vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương... Trong đó, nhiều dự án, đề án KH và CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH và CN đã được triển khai. Đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Tập đoàn ThaiBinhseed, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Thái Dương, Công ty Cổ phần Thủy sản Trung Sơn… Nhiều tiến bộ KHKT và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Thông qua việc áp dụng các tiến bộ KH và CN đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao; ngày càng có nhiều các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.

Trong giai đoạn 2019-2023, các địa phương vùng ĐBSH đã ban hành và triển khai đồng bộ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, hầu hết sản phẩm chủ lực của các địa phương đã và đang được triển khai xây dựng và tạo lập giá trị tài sản sở hữu trí tuệ. Toàn vùng có 3.096 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp Bằng Sở hữu trí tuệ. Đã có 149 dự án phát triển tài sản trí tuệ được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 106,5 tỷ đồng; thông qua các dự án đã có 49 sáng chế, giải pháp được bảo hộ, khai thác; 246 sản phẩm đặc thù của địa phương được cấp quyền sở hữu trí tuệ; đào tạo, tập huấn về tài sản trí tuệ cho 25.794 lượt người; hỗ trợ sở hữu trí tuệ cho 793 doanh nghiệp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đẩy mạnh bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ được coi là một trong những điểm then chốt giúp giữ vững và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương cũng như của cả vùng.

Thời gian qua, hoạt động KH và CN của các địa phương trong vùng đã sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để hoạt động KH và CN tác động thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, tăng cường xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh phong trào tăng năng suất, chất lượng, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo lập tam giác liên kết “doanh nghiệp - cơ quan quản lý Nhà nước - đơn vị nghiên cứu”, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các đề tài, dự án KH và CN phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động xây dựng, sắp xếp lại hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp KH và CN, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các trung tâm ứng dụng, dịch vụ KH và CN. Hạ tầng thông tin, thống kê KH và CN của các tỉnh, thành phố trong vùng có bước phát triển, cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành. Công tác thông tin, truyền thông về KH và CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa cơ chế, chính sách đổi mới về KH và CN được lan tỏa nhanh chóng.

Có thể nói, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hoạt động KHCN và ĐMST của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH có nhiều thành tích ấn tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng liên tục; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. 

Vùng ĐBSH đang phấn đấu trở thành trung tâm KHCN, ĐMST hàng đầu cả nước theo định hướng Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch; các đề án lớn nhằm phát triển và ứng dụng KHCN trong vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH và CN cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực quản lý KHCN và ĐMST tại địa phương. Tăng cường tiềm lực KH và CN ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; bảo đảm chi cho KHCN và ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng. Kết nối, phát huy hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ của vùng với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST cho một số trường đại học, viện nghiên cứu đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để trở thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Xây dựng, triển khai chương trình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH và CN phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xử lý môi trường, phát triển kinh tế biển, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và đảm bảo quốc phòng an ninh. Phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục phát triển doanh nghiệp KH và CN. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH và CN; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu KHCN và ĐMST vùng ĐBSH có khả năng chia sẻ, kết nối liên thông để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học trên địa bàn; triển khai Bộ chỉ số ĐMST địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng ĐBSH./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com