Trung Quốc thử nghiệm truyền dữ liệu công nghệ 6G

07:44, 09/05/2023

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm truyền dẫn không dây theo thời gian thực ở tốc độ 100 gigabit/giây.

Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Số 2 của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc tiến hành truyền dẫn không dây theo thời gian thực lần đầu tiên đối với công nghệ 6G, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển thế hệ kế nhiệm của mạng 5G. Thử nghiệm sử dụng công nghệ liên lạc mô-men xung lượng quỹ đạo terahertz, South China Morning Post hôm 25/4 đưa tin.

Các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu về mạng 6G. (Ảnh: SCMP).
Các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu về mạng 6G. (Ảnh: SCMP).

Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu sử dụng một ăngten đặc biệt để phát 4 kiểu chùm tia khác nhau ở tần số 110 GHz. Với những mẫu đó, họ đạt được khả năng truyền thông dây theo thời gian thực ở tốc độ 100 gigabit/giây trên băng thông 10 GHz, giúp tăng đáng kể hiệu quả sử dụng băng thông. Theo họ, công nghệ này cũng có thể ứng dụng với phạm vi truyền dẫn ngắn, hỗ trợ liên lạc tốc độ cao giữa trạm đổ bộ Mặt Trăng/sao Hỏa và tàu vũ trụ.

Terahertz chỉ dải tần số từ 100 GHz đến 10 THz trong phổ điện từ. Do có tần số cao hơn nên giao tiếp terahertz có thể mang nhiều thông tin hơn, tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và an toàn hơn. Nó cũng có tiềm năng lớn đối với mạng 6G, internet tốc độ cao và bảo mật, như trong môi trường quân sự phức tạp. Tuy nhiên, mật độ thông tin cao hơn thường kèm theo độ ồn lớn hơn. Liên lạc qua sóng terahertz sẽ dễ bị mất tín hiệu và yếu đi ở khoảng cách lớn hơn. Dù nhóm nghiên cứu không cung cấp chi tiết công nghệ, họ hy vọng có thể giải quyết thách thức khi đưa vào ứng dụng.

Một tiến bộ khác mà các nhà nghiên cứu áp dụng là truyền mô-men xung lượng quỹ đạo (OAM), trong đó công nghệ mã hóa thêm thông tin vào sóng điện từ. Nhờ OAM, nhiều tín hiệu có thể truyền đồng thời ở cùng tần số mà không bị gián đoạn, cho phép sử dụng quang phổ sẵn có hiệu quả hơn, tăng công suất truyền dữ liệu và nâng cao tốc độ liên lạc.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng công nghệ backhaul không dây (giúp kết nối giữa trạm gốc và mạng lõi). Trong mạng di động, dữ liệu cần truyền giữa thiết bị của người dùng, trạm gốc và mạng lõi. Backhaul chỉ quá trình truyền dữ liệu người dùng mà trạm gốc nhận được tới mạng lõi. Theo các chuyên gia, vào năm 2023, hơn 62% trạm gốc trên toàn cầu sẽ sử dụng công nghệ backhaul không dây.

Các nhà nghiên cứu chọn giao tiếp mô-men xung lượng quỹ đạo terahertz là mục tiêu đột phá. Trong tương lai, tốc độ truyền cực đại bằng mạng 6G dự kiến sẽ đạt một terabit mỗi giây. Mạng 6G được kỳ vọng nhanh và và đáng tin cậy hơn công nghệ 5G hiện nay, đồng thời cung cấp độ trễ thấp và sử dụng quang phổ hiệu quả hơn. Mạng lưới như vậy nhiều khả năng sử dụng công nghệ mới như sóng terahertz để cải tiến giao tiếp không dây, tạo điều kiện cho nhiều ứng dụng như thực tế ảo độ phân giải cao, giao tiếp hologram theo thời gian thực và các nhiệm vụ cần nhiều dữ liệu không thể thực hiện bằng công nghệ hiện nay.

Theo khoahoc.tv



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com