Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đang trong thời kỳ khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, tăng năng suất lao động bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN), hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất… được coi là giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Sản xuất các sản phẩm trang trí nội, ngoại thất tại Công ty Cổ phần Hợp kim Al Hoàng Gia, xã Việt Hùng (Trực Ninh). |
Để nâng cao năng suất, chất lượng, thời gian qua, Công ty TNHH Thắng Lợi - VICO.,Ltd (thành phố Nam Định) đã mời chuyên gia tư vấn, đào tạo hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng để tập huấn kỹ năng Chu trình PDCA (lập kế hoạch, thực hiện và cải tiến lặp liên tục nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh đạt được mục tiêu) và HORENSO (phương pháp làm việc nhóm năng suất cao) cho cán bộ, nhân viên; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, quản lý dây chuyền công nghệ đúc với Tập đoàn Yoon Steel Group của Malaysia. Được tư vấn, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tinh gọn Lean, Công ty đã giảm được hơn 9% công nhân dư thừa từ việc sắp xếp công việc không bị chồng chéo, giảm lãng phí về thời gian trong các khâu sản xuất, việc sắp xếp mặt bằng sản xuất tại xưởng đóng gói và kho lưu trữ cũng khoa học hơn. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như ISO 9000, 5S, Kaizen vào hoạt động quản lý cũng như sản xuất đã giúp tăng năng suất tổng thể của doanh nghiệp lên 20% so với trước đó; sản phẩm sai, lỗi giảm xuống còn gần một nửa so với trước đây. Công ty TNHH Thắng Lợi là 1 trong 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh tham gia Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tùy theo quy mô, điều kiện hoạt động và từng lĩnh vực, các doanh nghiệp được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng (Kaizen, 5S, Lean, Six Sigma), các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025) và các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Sau khi áp dụng các hệ thống công cụ quản lý, công cụ cải tiến, năng suất lao động của các doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tiêu biểu như Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH Max Window, Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Thanh (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) sau khi áp dụng công cụ quản lý 5S thì năng suất lao động đã tăng trung bình trên 20%; Công ty Cổ phần May Nam Hà (thành phố Nam Định) áp dụng các công cụ IS O 9000, Lean, Six Sigma giúp tăng năng suất tổng thể lên 23%...
Để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, Sở KH và CN tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 và Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 (thay thế Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND) quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đã thực sự đi vào đời sống, giúp đỡ phần nào cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nhận thức của các doanh nghiệp, người lao động về hoạt động KH và CN; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Trong giai đoạn 2017-2022, đã có 196 lượt tổ chức, cá nhân được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dựa trên ứng dụng, chuyển giao công nghệ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; kiểm toán năng lượng; xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng…
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đổi mới công nghệ và ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Do nguồn lực hạn hẹp, tỉnh cũng chưa có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hoặc hỗ trợ với mức tương xứng để có thể tạo đột phá cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ có khả năng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Theo đó, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42, gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ với tổng kinh phí chỉ gần 2,75 tỷ đồng. Mặt khác, doanh nghiệp trong tỉnh đa phần quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, chủ yếu đi lên từ sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ nên có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia hưởng lợi từ chính sách. Điều này dẫn tới các hoạt động về chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ; ứng dụng các thành tựu KH và CN; phát triển doanh nghiệp KH và CN; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn chậm phát triển...
Thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 9-3-2023 nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định đến 2030. Mục tiêu đến năm 2030, góp phần tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 45% vào tăng GRDP của tỉnh; có từ 5-10 doanh nghiệp điểm về cải tiến năng suất, ứng dụng các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; hỗ trợ 30-50 đơn vị xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, truy xuất nguồn gốc và công cụ nâng cao năng suất, chất lượng; triển khai chương trình đào tạo năng suất tại 1-3 trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đào tạo 5-10 chuyên gia năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia; tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho 50 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính Nhà nước và 100 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp. Các giải pháp trọng tâm để thực hiện được mục tiêu kể trên là: hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất; tăng cường năng lực của tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất, chất lượng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về năng suất để cả người quản lý, doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của năng suất, chất lượng và việc quản lý năng suất, chất lượng đối với sự phát triển; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, các chương trình đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất với các tổ chức quốc tế.
Ứng dụng tiến bộ KH và CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa cho tăng trưởng năng suất mà còn là tiền đề phát triển kinh tế bền vững, toàn diện, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ứng phó trước dịch bệnh. Đây là điều mà Nam Định hướng tới để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin