Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tỉnh đã quan tâm đầu tư tăng cường tiềm lực hạ tầng kỹ thuật khoa học và công nghệ (KH và CN) nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ được đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị đáp ứng việc nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất cây trồng mới ứng dụng công nghệ cao. |
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các đơn vị KH và CN công lập trên địa bàn như sửa chữa trụ sở làm việc, tăng cường đầu tư bổ sung các trang thiết bị nhỏ cần thiết phục vụ yêu cầu chuyên môn, điều kiện làm việc. Theo kết quả điều tra của Sở KH và CN, 9/12 tổ chức được điều tra, khảo sát thống kê có tổng số 1.077 thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực KH và CN, sản xuất, kinh doanh với tổng giá trị đầu tư trên 65 tỷ đồng. Một số tổ chức có sự đầu tư mạnh cho trang thiết bị là: Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN) 51,7 tỷ đồng; Trung tâm Giống gia súc, gia cầm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên 5,2 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định 5 tỷ đồng… Ngoài ra, hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều được trang bị máy tính, công nghệ để phục vụ công việc chuyên môn.
Cũng trong thời gian này, tỉnh đã đầu tư một số dự án cho các tổ chức KH và CN, tiêu biểu là Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN được đầu tư dự án “Nâng cao năng lực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nam Định giai đoạn II” với tổng kinh phí 28 tỷ đồng theo Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 15-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đang phát huy tốt hiệu quả đầu tư khi Trung tâm duy trì tốt năng lực kiểm định, hiệu chuẩn thuộc 7 lĩnh vực đo lường, đào tạo mở rộng 5 phép thử nghiệm; duy trì chuẩn, thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra gần 400 cơ sở; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn đạt 24 nghìn phương tiện đo… phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đo lường chất lượng trên địa bàn. Dự án “Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” của Sở KH và CN với 2 dự án thành phần đã dần khẳng định vai trò quan trọng với những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị, từng bước thiết lập thị trường KH và CN.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động KH và CN, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tiêu biểu trong phát triển các giống hải sản giá trị kinh tế cao có cơ sở Sơn Nguyệt (Nghĩa Hưng) sản xuất cá bống bớp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; Công ty TNHH Thủy sản Lenger (thành phố Nam Định) đầu tư nhà máy trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại với công nghệ làm sạch, chế biến ngao tươi sống đông lạnh, ngao tươi đóng hộp được tổ chức SGS (tổ chức chứng nhận kiểm định chất lượng quốc tế) thẩm định và cấp chứng chỉ FSSC 22000 (Hệ thống An toàn Thực phẩm); Công ty Cổ phần Chế biến Hải sản Nam Định (Hải Hậu) đầu tư nhà xưởng gần 2ha để sản xuất sản phẩm OCOP 4 sao “nước mắm Ninh Cơ” với quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn HACCP (tên gọi đầy đủ là Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Với sản phẩm gạo sạch, gạo an toàn, các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo hiện đại, thực hiện các mô hình liên kết, điển hình là Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) với gạo Nhật Cường Tân, gạo sạch chất lượng cao Cường Tân LH2, gạo Japonica Ngọc Lâm; Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với các sản phẩm gạo sinh thái ruộng rươi, gạo sạch chất lượng cao 888”, gạo Toản Xuân 888 ST25. Ngoài ra, một số sản phẩm nông nghiệp khác như trồng khoai tây, rau an toàn; chế biến nông sản sấy; chế biến bột rau các loại cũng được các doanh nghiệp như: Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định), Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên), Công ty Cổ phần Sản xuất trà dược liệu Ngọc Anh (Trực Ninh)… tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thực hiện.
Giai đoạn 2019-2023, các doanh nghiệp trong tỉnh đã hoàn thiện 18 quy trình công nghệ của các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất các giống lúa năng suất chất lượng cao với các đối tượng nổi bật là nuôi tôm hữu cơ, sản xuất cá hồng Mỹ, trồng hoa công nghệ cao, giống khoai tây sạch bệnh, bồn trộn bê tông… Trong hoạt động tăng cường các chứng nhận an toàn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao đã có 39 chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và các chứng nhận an toàn, tiên tiến như VietGAP và HACCP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy hiện nay việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các tổ chức KH và CN công lập trên địa bàn tỉnh dù đã được triển khai thực hiện nhưng các hoạt động đầu tư còn nhỏ lẻ, các trang thiết bị phòng thí nghiệm còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động KH và CN nhưng vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là trong hoạt động cải tiến quy trình công nghệ và nâng cao, chất lượng sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có các tổ chức nghiên cứu và phát triển, việc mua bán, chuyển giao công nghệ rất ít. Trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được các vườn ươm công nghệ; số lượng doanh nghiệp KH và CN còn ít. Điều này gây cản trở cho việc nâng cao năng lực KH và CN, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố mạng lưới, cơ sở vật chất các tổ chức KH và CN; các cơ sở dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các cơ sở thử nghiệm, kiểm nghiệm đảm bảo cho hoạt động KH và CN và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng về KH và CN, tích hợp kết nối liên thông đảm bảo đủ năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ tiên tiến. Trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng KH và CN cho Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN; tăng cường hoạt động Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, cập nhật thông tin về KH và CN cho doanh nghiệp, nhà khoa học, đơn vị quản lý. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của các tổ chức KH và CN; hệ thống chuẩn đo lường chất lượng, vùng công nghệ cao; cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH và CN./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin