Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024: Đối thoại, tiếp công dân “Lắng nghe dân nói, nói dân nghe” (kỳ I)

08:22, 18/06/2024

Hoạt động tiếp công dân (TCD) và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về các cơ chế, chính sách, những vấn đề còn bất cập, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở... Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hoạt động đối thoại, TCD. Qua đó, giải quyết kịp thời, dứt điểm nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, bức xúc ở cơ sở; vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

Diện mạo nông thôn mới thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Diện mạo nông thôn mới thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

 

I: Đa dạng hình thức đối thoại, tiếp dân

 

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối thoại, TCD, Ban TVTU tiếp tục quán triệt, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối thoại, TCD như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...

Ban TVTU ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Phân công Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo và theo dõi, tổng hợp, chủ trì tham mưu cho Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy. Thực hiện vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD, xử lý những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân; duy trì chế độ họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tiêu cực tỉnh hàng tháng để nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo những vụ việc phức tạp, kéo dài, những vụ việc có nhiều vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy TCD định kỳ 1 ngày/tháng (không tiếp chung với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh và UBND tỉnh); tham gia buổi tiếp công dân có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy. Sau mỗi phiên tiếp công dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều họp với lãnh đạo các đơn vị, địa phương có công dân khiếu kiện, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để thống nhất chỉ đạo giải quyết, xử lý vụ việc đã được tiếp nhận. Đối với cấp huyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân định kỳ 1 lần/tháng; Bí thư Đảng ủy cấp xã tiếp công dân định kỳ 2 lần/tháng; tiếp đột xuất khi cần thiết để kịp thời chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, phản ánh của công dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, vượt cấp.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Ban TVTU quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy ban hành quy định, hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hàng năm, tất cả các huyện ủy, thành ủy đều ban hành kế hoạch đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đồng chí Đinh Đức Tuyến, TUV, Bí thư Huyện ủy Ý Yên cho biết: Thực hiện nhiệm vụ đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch về hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đưa hoạt động tiếp xúc, đối thoại vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, huyện ủy và đảng ủy các xã, thị trấn phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên BCH cùng cấp phụ trách các địa bàn; lãnh đạo các ban xây dựng đảng, ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương dự, theo dõi tại hội nghị đối thoại ở địa phương.

Cán bộ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho người dân.
Cán bộ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho người dân.

Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, TCD. Trong đó, UBND tỉnh đã quan tâm ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác TCD và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời đa dạng các biện pháp điều hành để công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào nền nếp. UBND tỉnh thành lập tổ công tác giúp Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc việc TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ TCD, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ ngành Thanh tra và cán bộ làm công tác TCD các cấp; tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, của các đơn vị trực thuộc trong thực hiện trách nhiệm về TCD, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức TCD, tiếp nhận xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hàng năm, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị đều xây dựng và ban hành lịch TCD định kỳ của Chủ tịch UBND, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thông báo lịch đến các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện và niêm yết công khai tại trụ sở, địa điểm TCD của đơn vị và đăng trên cổng thông tin điện tử. Công tác TCD thường xuyên, định kỳ của các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 623/NQUBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ 1 ngày/tháng. Trong các phiên tiếp công dân của UBND tỉnh đều có sự tham gia phục vụ của Thanh tra tỉnh và các sở, ngành liên quan. Lãnh đạo UBND huyện, thành phố tiếp dân định kỳ 2 ngày/tháng; lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn tiếp 1 ngày/tuần. Tại các phiên tiếp dân định kỳ có các đoàn khiếu tố đông người, phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, thành phố có vụ việc cùng tiếp dân để lắng nghe, giải trình về nội dung công dân trình bày; đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh để triển khai, thực hiện tại địa phương, đơn vị. Sau mỗi phiên TCD, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đều có văn bản thông báo kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị để giải quyết từng vụ việc cụ thể, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân theo quy định. 

Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của pháp luật về TCD thường xuyên và TCD định kỳ. Việc TCD bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, bình đẳng, chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền được quy định. Kết quả TCD đều được ban hành thông báo, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Các kiến nghị đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo quy định và thông báo kết quả về Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND các cấp để thông báo tới công dân. Ngoài ra, hoạt động tiếp xúc cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp trong tỉnh phối hợp duy trì thực hiện thường xuyên, kịp thời trước và sau các kỳ họp thường lệ hàng năm. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu dân cử đã nghe cử tri trình bày tâm tư nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề bức xúc diễn ra tại các địa phương, đơn vị để tiếp thu tổng hợp kịp thời, đầy đủ và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội và kỳ họp HĐND cùng cấp. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp trong tỉnh đã thực hiện 8.390 hội nghị tiếp xúc cử tri; tổng hợp, chuyển đến các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết gần 12 nghìn lượt ý kiến, kiến nghị cử tri. 100% kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan liên quan nghiêm túc xem xét, trả lời, đôn đốc giải quyết, qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh trong đời sống, tạo được niềm tin trong nhân dân.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Trọng

Kỳ II: Cầu nối giữa đảng, chính quyền với nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com