Để xứng đáng lời thề trước Đảng (kỳ I)
.

Để xứng đáng lời thề trước Đảng (kỳ I)

09:23, 11/06/2024
 

 

Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng và Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới gửi “thông điệp” tới hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở đảng một sự cảnh tỉnh: Nếu như ai đó không còn sự trong sáng cách mạng thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 

 

 

Vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù ở đâu, dù ở cương vị nào, trước cam go thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên hãy khắc cốt ghi tâm: Lời thề trước Đảng - Hãy giữ “danh thơm, tiếng tốt”. Đó là cách để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng một cách bền vững nhất.

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng ta là một đảng cầm quyền” do đó: “Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức Đảng”. Người răn dạy cán bộ, đảng viên phải biết giữ "thanh danh của Đảng" và "danh giá của mình"; "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang".

 

 

 

94 năm qua kể từ ngày Đảng ta ra đời, trải qua những giai đoạn cách mạng, hàng triệu đảng viên luôn khắc sâu lời thề dưới cờ Đảng, phấn đấu rèn luyện để giữ vững lời thề trước Đảng, nguyện chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân.

 

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Nam Định có hàng triệu người tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; 36 nghìn liệt sĩ. Nhiều gương sáng đảng viên đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì tính mạng, hạnh phúc của nhân dân; giữ lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân.

 

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh, thắp hương phần mộ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh, thắp hương phần mộ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

 

Liệt sĩ Đặng Thị Kim, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là một đảng viên trẻ ưu tú, hoạt động cách mạng từ những năm đầu, bị địch bắt tra tấn dã man vẫn kiên trung, bất khuất “Dù khi giặc khảo giặc tra. Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình”. Quân giặc đã ra lệnh chặt đầu chị hòng lung lạc tinh thần, ý chí của chị và các đảng viên nhưng không thành công. Chị hy sinh ở tuổi 19, lẽ sống và phẩm chất cách mạng “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng” của chị là tấm gương sáng ngời về truyền thống yêu nước, cách mạng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để các thế hệ học tập, noi theo. Ngày 27/4/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng liệt sĩ Đặng Thị Kim danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

 

Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, quê xã Hải Long (Hải Hậu) đã đánh 67 trận, 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1967, ông Nguyễn Huy Hiệu chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng; lễ kếp nạp Đảng được tổ chức ngay nơi chiến hào. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự hào: Thời điểm đó, chúng tôi tự viết Lời tuyên thệ. Tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm lời thề của mình: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân…”. Đó là lời thề danh dự của người đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân. Lời thề đó đã được ông mang theo suốt 4 chiến dịch lớn gồm Chiến dịch Mậu Thân, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

 

 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc, “kiện tướng đứng máy sợi” của Nhà máy Dệt Nam Định những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vinh dự được kết nạp Đảng năm 1959, lúc đó bà Thạc là công nhân trẻ của phân xưởng Sợi. Ký ức vinh dự, tự hào nhất đối với bà Nguyễn Thị Thạc là lần được gặp Bác Hồ về dự và huấn thị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V ngày 21/5/1963. Người căn dặn “Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang… Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ”.

 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc.

 

Khắc ghi lời Bác dạy, bà Thạc trăn trở tìm cách cải kiến quy trình nối sợi "mắt nhìn, tay nối, chân quơ bông vương vãi"... trong phân xưởng Sợi, đưa nǎng suất từ 300 cọc sợi ngang, lên 600 cọc sợi; bản thân bà đạt 1.100 cọc sợi một ca máy, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, đảng viên, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định sôi sục khí thế thi đua “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đẩy mạnh sản xuất: “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”. 

 

 

Từ năm 1946 đến năm 1963, Bác Hồ đã 5 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định. Bác ân cần chỉ bảo, dặn dò cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác xây dựng Đảng; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 

 

 

 

Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định, Bác huấn thị về công tác xây dựng Đảng: “Các cấp, từ chi bộ đến Tỉnh uỷ, phải vì lợi ích chung của Đảng và của Nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thắn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa?”.

 

Đồng thời, Người cũng đề ra những nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện. Cụ thể: Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phải “thật thà tự phê bình và phê bình”, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đồng thời, đổi mới sinh hoạt chi bộ để xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh, chú trọng đến công tác giáo dục đảng viên. Thực hiện những lời căn dặn và chỉ bảo của Người, cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, theo đúng niềm mong ước của Bác: "Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu".

 

 
 

 

Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” được phát động trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 280.017 bài dự thi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” là những cảm nhận về giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những câu chuyện, bài học, kỷ niệm về Bác Hồ gắn với truyền thống yêu nước và cách mạng, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt thể hiện liên hệ sâu sắc trách nhiệm của địa phương, ngành, lĩnh vực công tác và bản thân trong học và làm theo Bác.

 

<em>Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày các tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”.
</em>
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày các tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”.

 

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh Nam Định tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị gắn với sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và triển khai chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Nam Định phát triển toàn diện”. 60 gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực trong học và làm theo Bác được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 60 năm.

 

Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Nam Định, nhiều địa phương, đơn vị có cách làm sáng tạo, hiệu quả, như gắn biển các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu với nhân chứng được gặp Bác, trình chiếu phim tư liệu; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình… Qua đó, tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa tinh thần học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

 

Chi bộ Phòng Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Lễ kết nạp đảng viên.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nêu rõ: Từ thành công của chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, trong thời gian tới, các cấp ủy cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền lan tỏa ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm; chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước.

(Còn nữa)
 LÊ VIỆT THẮNG, PHẠM XUÂN LỘC

----------------

Kỳ II: Vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng



Xem thêm bình luận