Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Sự ra đời của các tờ báo cách mạng ở Nam Định

18:03, 13/06/2024

Báo chí cách mạng ở Nam Định khởi nguồn từ phong trào yêu nước và cách mạng. Cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, được đồng chí Nguyễn Lương Bằng đưa từ nước ngoài về trao cho đồng chí Nguyễn Văn Hoan tại số nhà 191 Hàng Cấp (thành phố Nam Định). Từ Báo “Thanh Niên”, cuốn sách “Đường Kách mệnh” và các tài liệu tiến bộ bí mật truyền bá vào tỉnh Nam Định, đến tháng 9/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tỉnh Nam Định được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Hoan làm Bí thư.

Cùng với Nhân Dân và Cờ Giải Phóng, Báo Dân Cày - tờ báo yêu nước đầu tiên của tỉnh Nam Định do đồng chí Trường Chinh sáng lập, tổ chức, chỉ đạo.
Cùng với Nhân Dân và Cờ Giải Phóng, Báo Dân Cày - tờ báo yêu nước đầu tiên của tỉnh Nam Định do đồng chí Trường Chinh sáng lập, tổ chức, chỉ đạo.

Mùa hè năm 1928, tại làng Hành Thiện (Xuân Trường), đồng chí Trường Chinh (lúc đó là Đặng Xuân Khu), xuất bản Báo “Dân Cày”, tờ báo yêu nước đầu tiên ở tỉnh nhà. Sau khi xuất bản được 19 số, đồng chí Đặng Xuân Khu chuyển hoạt động về Hà Nội, rồi Hải Phòng, tờ báo do các đồng chí Đặng Xuân Quyền, Nguyễn Văn Kiêm, Nguyễn Ngọc Thuế, Mai Văn Nhiếp đảm nhiệm tồn tại đến năm 1931.

Báo Sông Đào xuất bản số đầu ngày 21/7/1961.
Báo Sông Đào xuất bản số đầu ngày 20/7/1961.

Ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ ra đời, tuyên bố Chính cương, Tuyên ngôn, xuất bản Báo “Búa Liềm”. Chỉ 2 ngày sau, truyền đơn, khẩu hiệu, Tuyên ngôn của Đảng, cờ Búa liềm xuất hiện ở Nam Định. Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Nam Định được thành lập. Tỉnh ủy đề ra chương trình hành động, xây dựng chi bộ cơ sở, kết nạp đảng viên và chuyển đảng viên từ tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội”; huấn luyện cán bộ, phát triển các tổ chức quần chúng yêu nước. Tỉnh ủy xuất bản Báo “Tiền Phong”, tờ báo địa phương đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Nam Định. Cơ sở in của Tỉnh ủy đặt tại thành phố Hải Phòng, đường 110 (nay là phố Nguyễn Du) để in tài liệu bí mật, truyền đơn, các Báo “Vô Sản”, “Búa Liềm” của Trung ương Đảng và Báo “Tiền Phong” của Đảng bộ tỉnh.

Báo Sông Đào đổi tên thành Báo Nam Định từ ngày 21/6/1963.
Báo Sông Đào đổi tên thành Báo Nam Định từ ngày 21/6/1963.

Ngày 3/2/1930, sau hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng về Nam Định chỉ đạo phong trào công nhân, khảo sát đời sống người lao động. Tháng 11/1930, Tỉnh ủy Nam Định xuất bản Báo “Nông Dân” cổ vũ phong trào cách mạng trên địa bàn nông thôn, sau đổi tên báo là “Hưởng ứng”.

Đầu năm 1939, Tỉnh ủy xuất bản tờ báo bí mật, lấy tên là “Tiến Lên”, cơ sở in đặt tại Phù Long (thành phố Nam Định), sau chuyển sang Địch Lễ (Nam Vân - Nam Trực), rồi xuống xã Thọ Vực (Xuân Trường).

Sau Cách mạng Tháng Tám, Tỉnh ủy Nam Định xuất bản Báo “Nam Tiến” và “Sóng Tuần Vương”, cổ vũ nhân dân trong tỉnh đoàn kết, quyết tâm chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Báo “Nam Tiến” ra số đầu ngày 29/10/1945 xuất bản dưới hình thức trung lập, Báo “Sóng Tuần Vương” ra số đầu ngày 19/1/1946.

Phóng viên Báo Nam Định và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phóng viên Báo Nam Định và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Để động viên phong trào tiến công địch trong thành phố Nam Định và trường kỳ kháng chiến, ngày 21/1/1946, Tỉnh ủy xuất bản Báo “Nam Định kháng chiến”, năm 1947, báo ra hàng ngày. Đấu tranh với âm mưu chia rẽ lương - giáo, Tỉnh ủy ra tờ báo công khai lấy tên là “Công Dân”, phát hành vào địa phận Bùi Chu, sau đó sang cả địa phận Phát Diệm (Ninh Bình). Báo “Công Dân” vinh dự được Hồ Chủ tịch gửi thư khen.

Tháng 7/1949, Tỉnh ủy đổi tên tờ nội san “Tiến” thành Báo “Rèn Luyện”. Báo “Rèn Luyện” có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn thi hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kinh nghiệm chiến tranh du kích, đoàn kết kháng chiến; bồi dưỡng lý luận, giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện nhiệm vụ cải tạo, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng bộ tỉnh Nam Định xuất bản tờ “Tin Nam Định”. Ngày 12/5/1961, tờ “Tin Nam Định” được Tỉnh ủy quyết định chuyển thành Báo “Sông Đào” ra số đầu ngày 21/7/1961.

Phóng viên Báo Nam Định điện tử và các đồng nghiệp phản ánh công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phóng viên Báo Nam Định điện tử và các đồng nghiệp phản ánh công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch về các Đảng bộ tỉnh lấy tên tỉnh làm tên tờ báo, ngày 21/5/1963, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V ra Nghị quyết đổi tên Báo “Sông Đào” thành Báo “Nam Định”.

Sau khi hợp nhất tỉnh Nam Định và Hà Nam, báo hai tỉnh sáp nhập thành Báo Nam Hà, ra số đầu tiên vào năm 1965.

Năm 1976, sau khi sáp nhập hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Tỉnh ủy quyết định xuất bản Báo Hà Nam Ninh.

Năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Báo Nam Hà đã tăng số lượng phát hành từ 4.000 tờ lên 8.000 tờ/kỳ.

Báo Xuân Nam Định đến với bộ đội Trường Sa.
Ảnh Tư liệu và Nhóm PV
Báo Xuân Nam Định đến với bộ đội Trường Sa. 

Năm 1997, sau khi tách tỉnh Nam Định và Hà Nam, Báo Nam Định tăng số lượng phát hành từ 8.000 tờ/kỳ (trước đó cộng gộp hai tỉnh) lên 7.000 tờ/kỳ (số lượng phát hành của tỉnh Nam Định).

Từ tháng 6/2020, Báo Nam Định xuất bản 6 kỳ/tuần: Thứ 2, Thứ 3, Thứ 4, Thứ 5, Thứ 6 và Cuối tuần. Báo phát hành đến các chi bộ thôn, xóm và biếu cho đảng viên từ 55 tuổi Đảng trở lên với số lượng phát hành gần 1,3 vạn tờ/kỳ.

Từ tháng 10/2010, khai trương Báo Nam Định điện tử.

Nguồn Hội Nhà báo tỉnh Nam Định
Ảnh: Tư liệu và Nhóm PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com