Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ VIII-2023: Sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố - Kết quả và những vấn đề đặt ra - Kỳ I:  Quyết tâm chính trị cao

20:18, 21/09/2023

Sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố (TDP) là một chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII. Sau sáp nhập, tỉnh Nam Định đã giảm 1.513 đầu mối. Kết quả này là sự nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. 

Xếp chữ tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện Hải Hậu. 
Ảnh: Viết Dư

Xếp chữ tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện Hải Hậu.

Ảnh: Viết Dư

Thời kỳ trước đây, trên địa bàn tỉnh do khó khăn về giao thông, liên lạc... nên có xu hướng chia nhỏ các thôn (xóm), TDP để thuận lợi cho công tác quản lý, dẫn đến số lượng thôn (xóm), TDP rất nhiều. Cụ thể, trước sáp nhập, toàn tỉnh có 3.673 thôn (xóm), TDP. Tổng số các chức danh đang làm việc tại các thôn (xóm), TDP là 24.923 người. Trong đó, người hoạt động không chuyên trách (bí thư chi bộ, trưởng thôn - tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác Mặt trận) là 8.617 người; các chức danh khác (công an viên, bảo vệ dân phố, trưởng các đoàn thể, nhân viên y tế tại các TDP…) là 16.306 người. Theo đánh giá, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhiều đơn vị hành chính cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng… Theo quy định hiện hành, những đơn vị phải thực hiện sáp nhập là những thôn (xóm) có dưới 150 hộ gia đình, TDP có dưới 175 hộ gia đình. Theo đó, tỉnh sẽ có 342 đơn vị đủ tiêu chí về số hộ; 3.331 đơn vị không đạt tiêu chí số hộ; 1.577 đơn vị thuộc diện phải sáp nhập; 1.754 đơn vị thuộc diện khuyến khích sáp nhập hoặc đặc thù. Tương ứng với việc sáp nhập, sẽ có khoảng 10 nghìn người là cán bộ không chuyên trách và các chức danh khác phải thôi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập gặp nhiều khó khăn, bởi thôn (xóm), TDP không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Do đó, việc thực hiện sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng dân cư; gây tâm lý xáo trộn của người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó nếp sống sinh hoạt cộng đồng và ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), TDP khi không còn tiếp tục được thực hiện nhiệm vụ.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) đã ban hành Thông báo số 280-TB/TU, ngày 13-8-2021 về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022, trong đó yêu cầu đối với các thôn, TDP có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí theo quy định thì thực hiện sáp nhập với thôn, TDP liền kề; khuyến khích các thôn, TDP đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện. Thực hiện Kết luận của Ban TVTU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 19-8-2021 triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2022. Sự khẩn trương, tích cực với những lộ trình cụ thể đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 18. Tại Hội nghị triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: “Cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết người đứng đầu phải xác định việc sáp nhập thôn (xóm), TDP là nhiệm chính trị quan trọng trong năm 2021; từ đó phát huy tinh trách nhiệm cao nhất, hành động quyết liệt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ trách nhiệm ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn... đảm bảo việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập thôn (xóm), TDP trên phạm vi toàn tỉnh”. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP là nhiệm vụ lớn, thời gian triển khai không nhiều, có phạm vi rộng liên quan đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, tác động đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhiều người dân, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”.

Một góc Thành phố Nam Định hiện nay.
Một góc Thành phố Nam Định hiện nay.

Bám sát kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh, Hải Hậu là huyện sớm triển khai kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP. Trước sáp nhập, toàn huyện có 546 thôn (xóm), TDP (501 xóm, 45 TDP), với 101.965 hộ, 330.151 nhân khẩu. Qua rà soát, trong 546 xóm, TDP mới chỉ có 29 xóm, TDP đạt chuẩn quy mô số hộ gia đình theo quy định (chiếm tỷ lệ 5,31%), còn 517 xóm, TDP chưa đạt chuẩn về quy mô số hộ gia đình theo quy định (chiếm tỷ lệ 94,69%). Cá biệt, có những thôn (xóm) chỉ vỏn vẹn 67 hộ dân nhưng có đến gần chục chức danh và cán bộ không chuyên. Thực trạng quy mô thôn (xóm), TDP nhỏ lẻ, dân cư không đồng đều đã gây ra sự bất hợp lý trong bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách. Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Hậu (nay là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đảm bảo tiến độ. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập thôn (xóm), TDP”.

Để triển khai việc sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hậu ban hành Chỉ thị số 03-CT/HU, ngày 30-8-2021 về việc lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn huyện Hải Hậu, giai đoạn 2021-2022; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 89, ngày 31-8-2021 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn huyện Hải Hậu, giai đoạn 2021-2022. Nhưng chính tại thời điểm này, huyện xuất hiện chùm 14 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu song đảm bảo thời gian hoàn thành việc sáp nhập thôn (xóm), TDP là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy họp và thống nhất cách làm phù hợp. Theo đó, thay vì tổ chức hội nghị trực tiếp, huyện đã lồng ghép triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP với triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch vào các hội nghị trực tuyến; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kết hợp tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP để tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tổ chức các cuộc họp dân để tuyên truyền, phổ biến; giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận cao. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn để trực tiếp theo dõi, giám sát và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình sắp xếp, sáp nhập; chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn triển khai thực hiện đúng các bước trong quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP đảm bảo tiến độ theo quy định; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức thực hiện rà soát, xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), TDP để trình cơ quan chức năng xem xét… Với những cách làm linh hoạt, sự đồng thuận của “ý Đảng, lòng dân”, toàn huyện đã sáp nhập 283 thôn (xóm), TDP; tổng số thôn (xóm), TDP sau sáp nhập là 390, giảm 156 thôn (xóm), TDP.

Không chỉ ở huyện Hải Hậu, bám sát chủ trương, kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xác định việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của năm 2021 và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương tới các thôn (xóm), TDP, cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện và sự đồng thuận của nhân dân.

Với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 1 năm triển khai việc sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh hiện còn 2.160 thôn (xóm), TDP, giảm 1.513 đầu mối (đạt tỉ lệ 41,19%). Trong đó, có 1.159 đơn vị đạt tiêu chí theo quy định (đạt từ 300 hộ trở lên đối với thôn; 350 hộ trở lên đối với TDP); 978 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chí (đạt từ 150 đến dưới 300 hộ đối với thôn; đạt từ 175 đến dưới 350 hộ đối với TDP); 23 đơn vị đạt dưới 50% tiêu chí (dưới 150 hộ đối với thôn, dưới 175 hộ đối với TDP). Ngoài ra, tỉnh cũng đã đổi tên 129 thôn (xóm), TDP không thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

(Còn nữa)
Thu Thủy - Hoa Xuân - Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com